Doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn 'chật vật' với giá dầu
Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hạ nguồn dầu khí được dự báo sẽ kéo dài ít nhất là đến hết quý II/2025.
Giá dầu Brent hiện thấp hơn khoảng 18% so với đầu năm và thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái

Giá dầu Brent hiện thấp hơn khoảng 18% so với đầu năm và thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái
Tại đại hội cổ đông cuối tháng 4/2025, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) cho biết, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng vào ngày 2/4, giá dầu Brent trên thị trường thế giới lao dốc từ 75 USD/thùng xuống 60 USD/thùng.
Theo quy định, các doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex phải duy trì mức dự trữ tối thiểu tương đương 20 ngày cung ứng và tuân thủ cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 7 ngày. Trong kỳ điều hành giá ngày 10/4, doanh thu của Petrolimex ghi nhận mức sụt giảm lên tới 1.000 tỷ đồng. Với lượng tồn kho chưa bán hết, tiêu thụ trong chu kỳ điều hành tiếp theo (ngày 17/4), Tập đoàn thiệt hại thêm 300 tỷ đồng.
Trước đó, kết thúc quý I/2025, kết quả kinh doanh của Petrolimex ghi nhận doanh thu giảm 10%, xuống còn 67.861 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 81%, chỉ đạt 211 tỷ đồng.
Tình trạng tương tự diễn ra tại Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã OIL), lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý đầu năm 2025 giảm 89%, về mức 26 tỷ đồng, dù doanh thu tăng 11%, đạt gần 32.800 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá dầu trung bình trong kỳ giảm 9%, cộng thêm lỗ tỷ giá và trích lập dự phòng giảm giá đầu tư.
Với khối doanh nghiệp lọc hóa dầu, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng trải qua quý khởi đầu năm 2025 đầy thách thức. Dù doanh thu tăng 4%, lên 31.863 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 53%, chỉ còn 395 tỷ đồng. Công ty cho hay, giá dầu thô quý I/2025 giảm, trái ngược với xu hướng tăng của cùng kỳ năm ngoái tăng. Ngoài ra, chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm bị thu hẹp, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.
Những ngày đầu tháng 5, giá dầu Brent có thời điểm giảm xuống 59 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ quý I/2021. Gần đây, giá dầu phục hồi lên trên 60 USD/thùng, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 18% so với đầu năm và thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước triển vọng ảm đạm của thị trường dầu mỏ toàn cầu, hai ngân hàng đầu tư lớn là Goldman Sachs và Barclays đồng loạt hạ dự báo giá dầu cho giai đoạn 2025-2026.
Cụ thể, Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent bình quân là 60 USD/thùng trong năm 2025 và 56 USD/thùng năm 2026, giảm 2 USD/thùng so với dự báo trước đó. Còn Barclays dự báo, giá dầu Brent là 66 USD/thùng trong năm 2025 (giảm 4 USD/thùng) và 60 USD/thùng năm 2026 (giảm 2 USD/thùng).
Các tổ chức này cho rằng, tác động kép từ căng thẳng thương mại toàn cầu và chính sách tăng sản lượng của OPEC+ sẽ dẫn đến dư thừa nguồn cung và suy thoái kinh tế. Nhóm này đã thống nhất đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 6 tới, thêm 411.000 thùng/ngày. Cộng với việc tăng sản lượng trong tháng 4 và 5, OPEC+ sẽ bơm thêm 960.000 thùng mỗi ngày ra thị trường.
Thêm vào đó, Ả Rập Xê út - quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới bất ngờ giảm giá bán cho thị trường châu Á trong tháng 5/2025. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank, đây là động thái cho thấy nỗ lực giành thị phần của nước này trong bối cảnh nhu cầu suy giảm, đồng thời củng cố khả năng giá dầu sẽ còn đi xuống trong quý II/2025.
Trước viễn cảnh đó, các doanh nghiệp hạ nguồn dầu khí không chỉ chịu áp lực từ hàng tồn kho giá cao, mà còn đối mặt với yêu cầu trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Trên cơ sở dự báo thị trường, BSR xây dựng chiến lược thích ứng, tập trung vào đa dạng hóa nguyên liệu, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực quản trị điều hành để đảm bảo mục tiêu kinh doanh.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm cho biết, Petrolimex sẽ sớm triển khai các giải pháp mang tính chủ động và tích cực, nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025 đã đề ra.D