Doanh nghiệp da giày, dệt may thưởng Tết Nguyên đán 2025 ra sao?
Đơn hàng và thị trường xuất khẩu tích cực, doanh thu tăng... giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày dự kiến thưởng Tết Ất Tỵ 2025 khá cao.
Năm 2024 được ghi nhận khá thành công với ngành dệt may, da giày, nhiều doanh nghiệp có đủ đơn hàng kể từ tháng 7/2024, nhờ đó, doanh thu đạt tương đối khá. Do vậy, doanh nghiệp dệt may, da giày dự kiến thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động khá “xôm”.
Với mức tăng trưởng doanh thu năm 2024 tăng 50% so với năm trước, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - cho biết, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, doanh nghiệp dự kiến thưởng cho người lao động từ 1-3 tháng lương, tùy từng vị trí. “Với những lao động có thành tích trong cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất sẽ được thưởng thêm”, ông Quang Anh nói.
Với số lượng lao động lớn, chăm lo người lao động, trong đó có thưởng Tết luôn được Tập đoàn Dệt may Việt Nam chú trọng. Thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động trong hệ thống toàn tập đoàn ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5 - 2 tháng lương.
Theo bà Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam - cho hay, đã thành sự kiện hàng năm, trước thềm năm mới, Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung: Bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tình đưa người lao động về quê đón tết, cùng nhiều hoạt động bên lề khác như: Văn hóa - văn nghệ, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả...
Chương trình năm nay được tổ chức tại 5 điểm: Cụm TP. Hồ Chí Minh tại Tổng công ty Việt Thắng - CTCP từ ngày 16 - 18/12/2024; cụm TP. Hồ Chí Minh tại Tổng công ty CP Phong Phú từ ngày 19 - 21/12/2024; cụm Thừa Thiên Huế tại Công ty CP Dệt may Huế từ ngày 21 - 22/12/2024; cụm Đà Nẵng tại Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ từ ngày 20 - 21/12/2024; cụm Nam Định tại Tổng công ty CP Dệt may Nam Định từ ngày 9 -11/01/2025.
“Theo kế hoạch, có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, người lao động được công đoàn ngành tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; 655 người lao động được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết; 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng, lợi ích mang đến cho người lao động dự kiến trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở)” - bà Tâm cho hay.
Tương tự, với ngành da giày, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều đã ‘chốt’ mức thưởng Tết cho người lao động.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty Giày VASA - cho biết, dù sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2024 không thực sự tốt, chỉ đạt khoảng 40% kế hoạch năm, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cố gắng sắp xếp nguồn tài chính thưởng Tết cho người lao động, dự kiến là 1 tháng lương thứ 13. “Quan tâm, chăm lo là cách hữu hiệu để người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Đây cũng là cách VASA duy trì nguồn lực lao động để sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất khi thị trường tốt trở lại” - ông Tuấn nói.
Ở góc độ ngành, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - thông tin, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng tiết lộ có kế hoạch thưởng Tết ít nhất 1 tháng lương. Thậm chí, có doanh nghiệp sẵn sàng thưởng 3 - 4 tháng lương cho người lao động có thành tích xuất sắc, làm tăng ca.
Với chất lượng tay nghề cao, lao động luôn được coi là tài sản quý giá nhất của ngành dệt may và da giày, do vậy ngay trong thời điểm khó khăn như những năm xảy ra dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ để nhận đơn hàng, duy trì sản xuất và việc làm cũng như thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu cho cả 2 ngành năm 2025 không quá khó khăn. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã ký đơn hàng đến hết quý I/2025, tuy nhiên, thiếu lao động có thể xảy ra.
Ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho hay, có một nghịch lý là năm 2023 lao động rất đầy đủ nhưng đơn hàng thiếu, năm 2024 đơn hàng đủ nhưng lao động thiếu. Có những đơn vị biến động lao động tới 20%, việc tuyển dụng cũng rất khó khăn, nhất là với lao động có tay nghề. “Tuyển dụng lao động ảnh hưởng rất lớn đến năng suất do phải đào tạo lại và ngồi ghép chuyền với nhau. Năm 2025, tình trạng biến động lao động sẽ tiếp tục tiếp diễn” - ông Hiếu nhận định.
Ông Hiếu cũng đồng thời cho biết, ngoài cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề và ngành nghề khác, nguyên nhân của tình trạng trên là tỷ lệ lao động nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động ngày một nhiều. Hiện nay, Chính phủ đã ký hợp tác và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động sang một số nước mới như châu Âu. Do đó, trong thời gian tới, những ngành thâm dụng lao động như dệt may sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nhân lực.