Doanh nghiệp có thực sự được hưởng lợi từ việc đề xuất giảm 30% tiền thuê đất?
Hiện nay, các địa phương tính giá thuê đất khác nhau, có trường hợp 2 địa phương cạnh nhau nhưng cách tính chênh nhau tới 30% - 40%. Có địa phương như Bình Dương tính giá hợp lý, thế nhưng cũng có địa phương dù là tỉnh thuần nông lại tính giá thuê rất cao.
Doanh nghiệp được hưởng lợi gì từ việc đề xuất giảm 30% tiền thuê đất?
Mới đây, vào đầu tháng 1/2025, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2025, tương tự như chính sách giảm tiền thuê đất các năm 2021, năm 2022, năm 2023 và năm 2024.
Theo ý kiến của giới chuyên gia, chính sách này phù hợp với quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 của Chính phủ, hướng tới tạo đà cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng hai con số.
![Hiện nay, các địa phương tính giá thuê đất khác nhau. (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_197_51415440/5d750d44350adc54851b.jpg)
Hiện nay, các địa phương tính giá thuê đất khác nhau. (Ảnh minh họa)
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách giảm tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính, tăng cường khả năng ứng phó với các rủi ro kinh tế toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Với đề xuất giảm 30% thuế đất trong năm 2025, VCCI cho rằng, chính sách giảm tiền thuê đất trong các năm từ 2021 đến 2024 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế. Mức giảm tiền thuê đất của các năm trước là 30% và được đánh giá là hợp lý.
“Mức giảm này giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép, đảm bảo không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu ngân sách nhà nước”, VCCI cho biết.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho hay từ năm 2024 đến năm 2025, doanh nghiệp vẫn chưa bớt khó khăn bởi chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động của khủng hoảng tài chính, kinh tế trong nước và trên thế giới.
Để duy trì tồn tại và tích lũy tài chính cho những kế hoạch đầu tư dài hạn, tạo đà và sức bật cho doanh nghiệp tăng trưởng trong giai đoạn tới đây, việc giảm 30% tiền thuê đất hàng năm phải nộp của doanh nghiệp là rất cần thiết và đúng thời điểm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tùng, Giám đốc Công ty Bất động sản G24 cho rằng, cần phải chọn đúng đối tượng để đảm bảo sự công bằng xã hội và doanh nghiệp dù quy mô nhỏ tới đâu cũng đều được hưởng lợi. Điều này rất quan trọng, bởi chính sách hỗ trợ là dành cho những trường hợp khó khăn. Tình trạng cào bằng, nhiều khi không chỉ gây tâm lý bất bình mà còn tổn hại tới nguồn lực tài chính của đất nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Phạm Đức Toản, CEO Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính liên quan tới việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2025.
Ông Toản cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn khi nộp tiền sử dụng đất. Bởi, vừa qua nhiều địa phương đã điều chỉnh bảng giá đất mới, với mức tăng tương đối cao. Cá biệt, có địa phương điều chỉnh bảng giá đất tăng tới 300%, yếu tố này đã đẩy đơn giá thuê đất lên.
“Khi giá thuê đất tăng cao đã làm phá vỡ tất cả các kế hoạch về dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính là hợp lý ở một số địa phương có mức điều chỉnh vừa phải. Đối với các địa phương vừa điều chỉnh bảng giá đất mới với mức tăng 300%, thì mức giảm này không thấm vào đâu”, ông Toản nói.
![Chính sách giảm tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính. (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_197_51415440/3c8268b350fdb9a3e0ec.jpg)
Chính sách giảm tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính. (Ảnh: ST)
Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Toản cho hay, hiện nay, các địa phương tính giá thuê đất khác nhau, có trường hợp 2 địa phương cạnh nhau, thế nhưng cách tính chênh nhau tới 30% - 40%. Có địa phương như Bình Dương tính giá hợp lý, thế nhưng cũng có địa phương dù là tỉnh thuần nông lại tính giá thuê rất cao.
“Tính giá thuê đất là nhiệm vụ của các địa phương, nhưng với tình trạng mỗi tỉnh tính một đơn giá khác nhau sẽ tác động rất lớn tới các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều địa phương”, ông Toản nói.
Trong bối cảnh đó, để chính sách phù hợp với thực tế, ông Toản cho rằng, Bộ Tài chính cần có quy chuẩn, có hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính giá thuê đất để đồng bộ với cả nước. Từ đó, giúp việc tính giá đất được thống nhất.
Duy trì chính sách giảm tiền thuê đất trong nhiều năm không ảnh hưởng tới dòng thu ngân sách
Trên thực tế, trong giai đoạn 2020 - 2024, Việt Nam đã duy trì chính sách giảm 30% tiền thuê đất và miễn, giảm, gia hạn một số khoản thuế phí khác, nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau các “cú sốc” liên quan tới dịch bệnh và thiên tai.
Có thể thấy, việc giảm tiền thuê đất và các chính sách tài khóa khác đồng nghĩa với dòng thu ngân sách sẽ bị giảm, tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chính sách này là cần thiết để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hồi phục, từ đó kích thích nền kinh tế tăng trưởng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm trong năm 2020 là 2.890 tỷ đồng. Các năm 2021, 2022, 2023 trung bình là 3.734 tỷ đồng/năm.
Tổng cục Thuế cho rằng, các chính sách này đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trong việc tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2024, dự kiến số tiền thuê đất giảm khoảng 4.000 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) một năm và 9% số thu NSNN từ tiền thuê đất một năm.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, số tiền thuê đất giảm theo chính sách này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến số thu NSNN nói chung, nhưng sẽ có tác động lớn tới việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, từ đó tăng thu NSNN từ thuế để bù đắp cho số giảm thu do giảm tiền thuê đất.