Doanh nghiệp có đơn hàng nhưng giá giảm
Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa cho biết các doanh nghiệp tại TP.HCM đã có đơn hàng đến cuối năm, nhưng giá không tốt và yêu cầu hàng rào kỹ thuật cao hơn.
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 1/10, ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM - cho biết các doanh nghiệp tại TP.HCM hiện đã có đủ đơn hàng đến hết năm, thậm chí một số doanh nghiệp có đơn cho đầu năm sau.
Có đơn hàng nhưng giá giảm
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng nhìn nhận các doanh nghiệp trên địa bàn hiện đã được tái lập trở lại và cơ bản đã có đơn hàng cho đến cuối năm.
"Đây là tín hiệu rất đáng mừng và các doanh nghiệp cũng đang triển khai các đơn hàng này", ông bày tỏ.
Tuy nhiên, ông cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn đang đối mặt với tình trạng có đơn hàng nhưng giá cả lại không tốt, do họ đang ở thế "cần đơn hàng".
Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật mới gia tăng chủ yếu xoay quanh các tiêu chí xanh, yêu cầu khả năng đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đồng thời, nếu đi sâu vào phân tích cơ cấu thì đơn hàng chủ yếu đến từ khối FDI, trong khi đơn hàng doanh nghiệp Việt vẫn "chạy cơm từng bữa, từng đơn hàng một".
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Thống kê TP.HCM cho biết gần 60% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, 25% giữ ổn định và 15% khó khăn hơn.
Dự báo tình hình quý cuối năm, có 62,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn; 24,7% giữ ổn định và 13% khó khăn hơn.
Quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ
Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Hoàng cho biết trong 9 tháng qua, TP.HCM có hơn 49.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tăng 4,6%, tuy nhiên, có đến 28.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 6,2%.
"Như vậy, cứ 10 doanh nghiệp tham gia thì có 6 doanh nghiệp rút lui", ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thống kê cho biết TP cấp phép hơn 37.800 doanh nghiệp trong 9 tháng với vốn đăng ký đạt gần 295.000 tỷ đồng, tăng 1,6% về giấy phép, nhưng giảm 13,9% về vốn so với cùng kỳ.
"Điều này cho thấy các doanh nghiệp mới tham gia thị trường chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi các doanh nghiệp rút lui phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Tâm lý nhà đầu tư hiện vẫn còn thận trọng, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng mở rộng quy mô kinh doanh", ông nói.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, gần 83% doanh nghiệp thành lập mới thuộc ngành dịch vụ, 17% thuộc ngành công nghiệp - xây dựng và chỉ 0,3% thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp cấp phép ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 113 đơn vị với vốn đăng ký đạt 2.100 tỷ đồng, giảm 7,4% về cấp phép và tăng 20% về vốn so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp cấp phép ngành công nghiệp - xây dựng có 6.464 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 52.814 tỷ đồng, giảm 6,9% về cấp phép và giảm 44,3% về vốn so với cùng kỳ.
Trong khi đó, lượng doanh nghiệp cấp phép ngành thương mại, dịch vụ có 31.231 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 239.973 tỷ đồng, tăng 3,5% về cấp phép và giảm 2,4% về vốn so với cùng kỳ.