Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ tham gia quản lý hợp tác xã
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, thời gian qua, các cấp Hội LHPN tại nhiều địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý, nâng cao năng lực cho chị em để phát triển hợp tác xã.
Từ câu chuyện về hạt mắc ca trên đất Lâm Đồng
Trong "Tuần lễ sản phẩm OCOP" vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm hạt mắc ca mang thương hiệu "Mắc ca Tân Thanh" nhận được nhiều sự quan tâm.
Chị Lương Kim Chi, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), cho biết, các sản phẩm của hợp tác xã (HTX) có đầu ra ổn định. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn hạt mắc ca thô và 10 tấn hạt mắc ca sấy.
Là người dân tộc Tày, theo cha mẹ vào Lâm Đồng làm kinh tế mới từ những năm 1991 - 1992, chị Chi đã cùng cha mẹ trồng cây mắc ca từ năm 2008. Khi đó, hạt mắc ca sau khi thu hoạch về chủ yếu được chế biến thủ công, năng suất mỗi ngày chỉ được vài cân mắc ca thành phẩm.
Nhận thấy nếu cứ duy trì làm nhỏ lẻ, công sức bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả không cao, chị Chi quyết tâm tìm hiểu quy trình chế biến tự động, từ công đoạn sấy, làm nứt hạt đến đóng gói.
"Trong suốt quá trình đó, các cấp Hội của tỉnh đã luôn động viên, tạo điều kiện và hỗ trợ HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh. Các chị đã hỗ trợ tôi từ thủ tục hành chính, tạo điều kiện để tôi được tham gia các khóa tập huấn về kĩ năng marketing, quảng bá sản phẩm, giúp kết nối, mở rộng đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ sự đồng hành đó mà tôi đã vượt qua được nhiều khó khăn để phát triển ổn định như ngày hôm nay", chị Chi chia sẻ.
Trường hợp của HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh là 1 trong nhiều câu chuyện cho thấy nỗ lực của các cấp Hội trong hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý tại tỉnh Lâm Đồng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có chỉ tiêu về hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ tham gia quản lý HTX, hỗ trợ thành lập mới HTX có phụ nữ tham gia quản lý, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức về sản xuất, kinh doanh cho chị em.
Theo đó, trên 1.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ đã được tham gia tập huấn; 414 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Nhiều ý tưởng của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý tại Lâm Đồng đã tham gia và đoạt giải tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
"Hiện nay, Lâm Đồng có 571 HTX, với trên 75.000 thành viên, trong đó có 100 HTX do phụ nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 17,6%", bà Cil Bri, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, cho hay.
Vượt khó nhờ sự đồng hành của tổ chức Hội
Theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn, các HTX do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, ổn định. Nhiều HTX đã linh hoạt, nhạy bén nắm bắt thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Chị Lê Thị Minh Trà, Giám đốc HTX Nông sản Hữu Lũng, chia sẻ: "Quá trình hoạt động ban đầu của HTX gặp rất khó khăn. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ khép kín với diện tích của 2 trang trại là 7ha.
HTX có hệ thống hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất rau, củ, quả hữu cơ, nhà màng với diện tích 10.000 m2 có hệ thống tưới tự động, có nhà điều hành, sơ chế, đóng gói... HTX đã kết hợp xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm và nông nghiệp bước đầu đạt được những kết quả tích cực".
Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao những đóng góp của các cấp Hội LHPN Lạng Sơn trong việc thúc đẩy phát triển HTX. Đặc biệt, kể từ khi Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", các mô hình HTX do phụ nữ quản lý càng có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển.
Hiện tại, tỉnh Lạng Sơn có 101 HTX do phụ nữ làm chủ đang hoạt động, trong đó có 26 HTX do Hội LHPN các cấp hỗ trợ thành lập. Số HTX do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 25% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh.
Tại nhiều tỉnh, thành khác, các cấp Hội LHPN cũng đang đẩy mạnh việc triển khai hỗ trợ các HTX do phụ nữ quản lý, nâng tầm hoạt động của HTX, nâng cao chất lượng và mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh các kết quả đạt được, các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành cũng đang phải đối mặt với những khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ, thiếu tổ chức liên kết để có thể sản xuất lớn, thiếu nhân sự kỹ thuật cao, thiếu năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao.
Một số nữ quản lý HTX cho biết, họ gặp khó khăn trong tiếp cận vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất.