Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau báo cáo PPI 'êm' hơn kỳ vọng, giá dầu đi xuống

Số liệu PPI yếu hơn kỳ vọng giúp xoa dịu phần nào mối lo của nhà đầu tư về việc Fed sẽ giảm chậm lãi suất trong năm nay...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Hai trong số ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/1) nhờ số liệu lạm phát bán buôn yếu hơn dự báo. Giá dầu giảm sau mấy phiên tăng liên tiếp, do dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ hầu như không tăng trong năm 2025.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 221,16 điểm, tương đương tăng 0,52%, chốt ở mức 42.518,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,11%, đạt 5.842,91 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq trượt 0,23%, còn 19.044,39 điểm.

Nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trong phiên này, đặt ra áp lực giảm đối với S&P 500 và Nasdaq, khiến hai thước đo này đuối sức so với Dow Jones.

Cổ phiếu Nvidia chốt phiên với mức giảm 1,1% và Meta Platforms giảm 2,3%. Trong khi đó, nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu tiện ích, tài chính và nguyên vật liệu thô, đưa mỗi nhóm trong số này tăng hơn 1%.

Báo cáo từ Cục Thống kê lao động (BLS) thuộc Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 12 của nước này chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PPI lõi, thước đo không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đi ngang trong tháng.

Số liệu PPI yếu hơn kỳ vọng giúp xoa dịu phần nào mối lo của nhà đầu tư về việc Fed sẽ giảm chậm lãi suất trong năm nay. Sau báo cáo PPI, mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ hướng tới báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến được BLS công bố vào ngày thứ Tư. Dữ liệu này sẽ là một sự phản ánh quan trọng về việc Fed đã đi tới đâu trong tiến trình đưa lạm phát giảm về mục tiêu 2%.

Theo dự báo của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát, CPI toàn phần tăng 0,3% trong tháng 12.

“Nếu CPI nóng hơn dự báo, đó chắc chắn sẽ là một tin xấu đối với thị trường chứng khoán vì lạm phát giảm chậm sẽ khiến Fed giảm lãi suất chậm theo”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định với hãng tin CNBC.

Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng gần như chắc chắn Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của năm 2025 diễn ra vào cuối tháng này. Đặt cược vào việc Fed không thay đổi lãi suất trong cuộc họp tháng 3 cũng đang ở mức gần 78% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

Sau 3 lần giảm lãi suất liên tiếp trong năm 2024, lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện đang ở mức 4,25-4,5%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,09 USD/thùng, tương đương giảm 1,35%, còn 79,92 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 1,67%, còn 77,5 USD/thùng.

Dầu giảm giá sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu ở Mỹ sẽ ổn định ở mức 20,5 triệu thùng/ngày trong năm 2025 và 2026, nhưng sản lượng khai thác dầu thô của nước này sẽ tăng lên mức 13,55 triệu thùng/ngày, cao hơn so với dự báo mà EIA đưa ra trước đó là 13,52 triệu thùng/ngày. Dự báo nguồn cung tăng trong khi dự báo nhu cầu đi ngang dẫn tới mối lo về sự thừa cung dầu.

Tuy nhiên, mức giảm của giá dầu được hạn chế bởi một mối lo khác, là mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu Nga sau khi Moscow bị Bộ Tài chính Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu. Động thái của Washington đã khiến giá dầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ siết trừng phạt Nga sẽ có ảnh hưởng lớn đến giá dầu Nga, nhưng tác động của các biện pháp này đến thị trường dầu vật chất có thể ít hơn nhiều so với so với chỉ báo từ khối lượng.

ING ước tính các biện pháp trừng phạt mới có thể xóa sạch lương dầu thừa trên toàn cầu 700.000 thùng/ngày mà ngân hàng này đã dự báo cho năm nay, nhưng cho rằng ảnh hưởng thực sự sẽ ít hơn. “Mức giảm thực sự của nguồn cung có thể sẽ thấp hơn, vì Nga và người mua dầu của họ sẽ tìm được cách để lách sự trừng phạt này”, một báo cáo của ING viết.

Ngoài ra, những bấp bênh về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc cũng có thể làm suy yếu tác động của sự thắt chặt nguồn cung. Theo dữ liệu chính thức công bố ngày 13/1, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc năm 2024 giảm lần đầu tiên trong 2 thập kỷ ngoại trừ giai đoạn đại dịch Covid-19.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-diem-sau-bao-cao-ppi-em-hon-ky-vong-gia-dau-di-xuong.htm
Zalo