Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 'vượt dốc' đầu năm

Ngành bảo hiểm phi nhân thọ khép lại quý đầu năm với lợi nhuận tăng trưởng nhẹ, chỉ một vài doanh nghiệp nổi bật với mức tăng hai chữ số, trong bối cảnh toàn ngành vẫn đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh thị phần gay gắt, chi phí tái bảo hiểm leo thang và rủi ro thiên tai ngày càng lớn…

Kết thúc quý 1/2025, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng mức tăng vẫn ở mức khiêm tốn. Chỉ một số ít công ty đạt mức tăng trưởng hai chữ số.

TĂNG TRƯỞNG CHƯA RỰC RỠ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của Bảo hiểm BIDV (mã chứng khoán: BIC), doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã mang về cho công ty 1.033 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng chi phí hoạt động là 758 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 702 tỷ đồng vào quý 1 năm trước. Kết quả, BIC báo lãi sau thuế hơn 115 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.

Cuối quý 1/2025, tổng tài sản của BIC chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, đạt gần 8.860 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn (5.448 tỷ đồng), tài sản tái bảo hiểm (1.139 tỷ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn (1.172 tỷ đồng).

Quý 1/2025 ghi dấu một khởi đầu tích cực cho Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã chứng khoán: MIG) khi doanh nghiệp báo lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ sự cải thiện đồng đều cả về doanh thu lẫn hiệu quả kiểm soát chi phí.

Cụ thể, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 992 tỷ đồng, tăng 16% so với quý 1/2024. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm vượt mốc 1.300 tỷ đồng, tăng 18%. Tuy nhiên, đáng lưu ý là phí bảo hiểm gốc lại giảm nhẹ, còn hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi phí nhận tái bảo hiểm giảm mạnh 79%, chỉ còn 27 tỷ đồng.

Song song với tăng trưởng doanh thu, MIC cũng chi trả 176 tỷ đồng cho bồi thường bảo hiểm, tăng 10% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi nhận ở mức 507 tỷ đồng, tăng nhẹ.

Trong khi đó, chi phí tài chính giữ nguyên ở mức hơn 3 tỷ đồng, nhưng doanh thu tài chính lại giảm đáng kể 29%, xuống còn 59 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng nhích nhẹ 7,8%, đạt 127 tỷ đồng. Dù vậy, MIC vẫn đạt lợi nhuận trước thuế lên tới 125,6 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của MIC đạt 10.209 tỷ đồng, tăng so với mức 9.834 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Cơ cấu tài chính vẫn nghiêng nhiều về nợ với 72% tổng tài sản là nợ phải trả, tương đương 7.719 tỷ đồng – trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 7.288 tỷ đồng.

Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã chứng khoán: PGI) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2025. Cụ thể, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 894 tỷ đồng, bằng so với cùng kỳ năm trước khi cũng đạt 894 tỷ đồng.

Tương tự, tổng chi cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 652 tỷ, tăng nhẹ so với con số của cùng kỳ là 647 tỷ. Lợi nhuận kế toán trước thuế của PJICO trong quý 1 đạt gần 90 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số gần 85 tỷ cùng kỳ, mức tăng tương ứng gần 6%.

Đáng chú ý, trong quý 1/2025 mảng bảo hiểm xe cơ giới (bao gồm cả trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm vật chất xe) vẫn tiếp tục là nghiệp vụ đem lại doanh thu phí bảo hiểm gốc cho PJICO với gần 410 tỷ, chiếm gần 37% tổng doanh thu.

Đứng các vị trí tiếp theo mang về doanh thu bảo hiểm gốc cho PJICO trong quý 1/2025 là mảng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe tai nạn, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản…

Đáng chú ý, phần lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm tới 58% so với cùng kỳ năm trước, đạt 64 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 31/3, tổng tài sản PJICO đạt gần 8.490 tỷ đồng. Trong đó, gần một nửa cơ cấu tài sản là đầu tư ngắn hạn 4.140 tỷ đồng (chiếm chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn 4.088 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 vừa công bố, Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (Hanoi Re, mã chứng khoán: PRE) đạt lợi nhuận sau thuế hơn 51 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả khả quan này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng của doanh thu từ hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm. Trong quý 1, doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của PRE đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 15%. Chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm nhẹ 4% xuống còn hơn 353 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 16%, đạt trên 460 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí bồi thường bảo hiểm cũng tăng mạnh 43% lên 199 tỷ đồng. Chi phí khác từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhẹ 2% còn 215 tỷ đồng. Tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng tương ứng với doanh thu. Lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh cốt lõi này đạt hơn 34 tỷ đồng, tăng 18% so với quý 1/2024.

Bên cạnh đó, hoạt động tài chính cũng đóng góp vào lợi nhuận chung với doanh thu đạt hơn 58 tỷ đồng, tăng 15%. Cụ thể, lãi tiền gửi gần như đi ngang ở mức gần 35 tỷ đồng, lãi trái phiếu đạt gần 3 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ không có), và lãi thuần chênh lệch tỷ giá đã thực hiện đạt hơn 11 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ.

Dù vậy, chi phí tài chính ghi nhận mức tăng mạnh 72%, chủ yếu do lỗ thuần chênh lệch tỷ giá đã thực hiện tăng 2,2 lần lên hơn 10 tỷ đồng và lỗ đánh giá lại các khoản mục ngoại tệ cuối kỳ tăng tới 4,8 lần lên hơn 2 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính chỉ tăng nhẹ 2%, đạt gần 42 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8% lên gần 12 tỷ đồng, Hanoi Re báo lãi ròng hơn 51 tỷ đồng như đã đề cập.

Tính đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản của Hanoi Re đạt hơn 7.243 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự gia tăng của các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và phải thu ngắn hạn, lần lượt tăng 20% và 36%.

Tài sản lớn thứ hai của công ty là tài sản liên quan đến tái bảo hiểm với giá trị hơn 2.312 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Sự sụt giảm này đến từ việc giảm dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của PRE ghi nhận gần 5.582 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Khoản mục lớn nhất là dự phòng nghiệp vụ, đạt hơn 4.154 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm. Đáng chú ý, công ty phát sinh khoản vay ngắn hạn mới hơn 256 tỷ đồng vào cuối quý, được giải ngân để bổ sung vốn lưu động và được đảm bảo bằng các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn.

Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, Bảo hiểm Agribank (ABIC, mã chứng khoán: ABI) đã khởi đầu năm 2025 với kết quả tích cực. Báo cáo tài chính quý 1/2025 cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Theo giải trình từ công ty, mức lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng gần 100 tỷ đồng (tương đương 19%).

Trong kỳ, doanh thu phí bảo hiểm đạt 620 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2024 (515 tỷ đồng). Trong đó, phí bảo hiểm gốc đạt 582 tỷ đồng, tăng 16%. Phí nhận tái bảo hiểm cũng tăng mạnh, từ 16 tỷ đồng lên gần 37 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 130%.

Tuy nhiên, tăng trưởng đi kèm áp lực chi phí. Chi bồi thường tăng từ 159 tỷ đồng lên 168 tỷ đồng, chi hoa hồng tăng từ 88,7 tỷ đồng lên 105 tỷ đồng. Tổng chi phí hoạt động bảo hiểm đạt 347,5 tỷ đồng, tăng 19,4%. Dù vậy, ABIC kiểm soát tốt chi phí quản lý doanh nghiệp, giữ ở mức 139 tỷ đồng, gần như không đổi.

Một điểm đáng lưu ý là doanh thu tài chính giảm từ 41,2 tỷ đồng xuống 34,8 tỷ đồng, do lãi tiền gửi giảm, phản ánh bối cảnh lãi suất thấp.

Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của ABIC đạt 4.421,5 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu đạt 1.637 tỷ đồng, nhờ lợi nhuận chưa phân phối tăng từ 319,7 tỷ đồng lên 400,5 tỷ đồng.

THÁCH THỨC VẪN CHỜ PHÍA TRƯỚC

Kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc trong quý đầu năm 2025, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đối mặt với không ít thách thức phía trước. Áp lực cạnh tranh thị phần, chi phí tái bảo hiểm tăng cao và rủi ro thiên tai ngày càng lớn... là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của toàn ngành.

Năm 2025, Bảo hiểm PVI đã thống nhất kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt 21.437 tỷ đồng doanh thu và 1.090 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, đều đang thấp hơn kết quả đạt được trong năm 2024. Theo lãnh đạo công ty, việc tái tục ở mức lãi suất thấp đối với các hợp đồng tiền gửi là một trong các nguyên nhân kế hoạch kế hoạch lợi nhuận thấp hơn.

Đối với câu hỏi của cổ đông về những rủi ro có thể khiến PVI không hoàn thành kế hoạch đặt ra, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết rủi ro lớn nhất nằm ở các yếu tố khách quan địa chính trị liên quan, đặc biệt là chính sách thuế quan và rủi ro từ thiên nhiên, biến đổi khí hậu.

Đối với sắc lệnh về thuế đối ứng được công bố đầu tháng 4 vừa qua, PVI đã ngay lập tức có những đánh giá. Theo ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, trường hợp nếu việc áp thuế thực sự diễn ra với mức thuế cao như công bố trước đây, không quốc gia nào có thể khẳng định sẽ đạt được kế hoạch khi phải đối mặt cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn như vậy.

Nếu trường hợp này xảy ra, tỷ trọng các mảng doanh thu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, FDI… tại PVI không lớn. Đối với mảng liên quan đến dầu khí, chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá dầu, tỷ trọng hiện tại cũng chỉ còn chiếm 10%. Do đó, cá nhân ông Đức tin tưởng nếu không xảy ra rủi ro bất khả kháng như cơn bão Yagi, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Bảo hiểm PTI vừa qua, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI cho biết, hoạt động đầu tư tài chính năm 2024, PTI có lợi thế khi thị trường có mức lãi suất cao dẫn đến thu từ mảng đầu tư tốt. Tuy nhiên trong năm 2025, lãi suất đã giảm khá nhiều nên đầu tư là một thách thức.

"Năm nay dự kiến hoạt động đầu tư sẽ không có kết quả tốt như trước, đây là thách thức cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm", bà Hương chia sẻ.

Theo đó, Hội đồng quản trị PTI đề xuất mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2025 của PTI ở mức 320 tỷ đồng, giảm 20,54% so với kết quả thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế ở mức 256 tỷ đồng, trong khi năm 2024, PTI ghi nhận lãi sau thuế là gần 322 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI được kỳ vọng ở mức 4.550 tỷ đồng, cao hơn 13% so với thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính dự kiến đạt 287,9 tỷ đồng, giảm 14,5% so với mức thực hiện năm 2024.

Đánh giá về triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng giám đốc MIC Đinh Như Tuynh nhận định rằng doanh thu phí bảo hiểm năm 2025 dự kiến sẽ tăng khoảng 10%. Trong giai đoạn 5 năm tới, ngành này có thể duy trì mức tăng trưởng trung bình từ 10-13%/năm với dư địa phát triển đầy hứa hẹn.

Lý giải về động lực tăng trưởng này, ông Tuynh cho rằng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng do tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp hơn so với mặt bằng chung của ASEAN, trong khi thu nhập người dân ngày càng cải thiện. Bên cạnh đó, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định cũng thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm tài sản kỹ thuật nhờ các dự án đầu tư công mở rộng, cũng như bảo hiểm tài sản, con người và hàng hóa khi dòng vốn FDI đổ vào mạnh mẽ. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số và hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện đang góp phần nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cạnh tranh trong ngành cũng ngày càng khốc liệt. Hiện Việt Nam đang có 33 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động và sẽ có thêm một thành viên mới gia nhập thị trường trong năm 2024. Theo ông Tuynh, sự cạnh tranh đang dần dịch chuyển từ cuộc đua về phí sang nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng trong chuỗi dịch vụ bảo hiểm. Đồng thời, hệ thống pháp lý hoàn thiện hơn cũng là tiền đề giúp thị trường hoạt động minh bạch và rõ ràng hơn.

"Những doanh nghiệp có lợi thế tích hợp hệ sinh thái lớn, có nền tảng công nghệ vững chắc và tiềm lực tài chính mạnh sẽ có nhiều cơ hội gia tăng thị phần. Ngược lại, các công ty có danh mục sản phẩm kém đa dạng, tập trung vào các sản phẩm có chi phí bán hàng và bồi thường cao, cũng như thiếu sự đầu tư vào công nghệ, sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần", Tổng giám đốc MIC nhận định.

Nguyễn Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/doanh-nghiep-bao-hiem-phi-nhan-tho-vuot-doc-dau-nam-post560051.html
Zalo