Đoàn viên trẻ phát triển kinh tế từ trồng su su
Trong chuyến công tác tại xã Lao Và Chải (Yên Minh), chúng tôi có dịp tìm hiểu mô hình trồng rau su su của đoàn viên trẻ Mua Mí Pó. Sau hơn 1 năm triển khai, khu vườn rộng hơn 1 ha xanh tốt vươn lên trong sương giá, minh chứng cho quyết tâm, tinh thần dám làm nơi vùng đất khó.
Đoàn viên Mua Mí Pó là người dân tộc Mông, sinh năm 1994 ở thôn Ngán Chải, xã Lao Và Chải. Sau khi học hết THPT, Pó đi làm việc ngoài tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm sống và các mô hình kinh tế. Sau một thời gian tích góp được vốn, anh trở về địa phương, phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy cây ngô kém hiệu quả, qua tìm hiểu ngọn su su là loại rau được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng nguồn cung còn khan hiếm nên Pó bắt tay vào thử sức. Cùng với tiếp cận kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, anh đã trực tiếp đến vùng trồng rau su su nổi tiếng ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để học hỏi kinh nghiệm.
Thôn Ngán Chải có lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm, độ dốc lớn. Bắt tay thực hiện ý tưởng vào cuối năm 2023, cùng với diện tích đất của gia đình, anh thuê thêm của các hộ lân cận trồng trên 1 ha rau su su. Anh Pó chia sẻ: Su su ưa khí hậu mát mẻ, đây còn là cây dễ trồng, ít sâu bệnh. Nếu chỉ thu hoạch ngọn, không lấy quả, rau cho thu hàng ngày và thời gian kéo dài được 4 - 5 năm mới phải trồng lại, tiềm năng kinh tế rất cao. Dựa theo đặc điểm địa lý, tôi cải tạo vườn thành các tầng canh tác, lên luống rộng khoảng 1,2 m, dùng cọc tre làm giàn chắc chắn để cây leo bám nhiều năm mà không bị xiêu vẹo. Về phân bón, dùng NPK tổng hợp kết hợp phân chuồng hoai mục, chia ra bón thúc theo từng giai đoạn. Trong đó, thời điểm từ tháng 2 - 9 thời tiết thuận lợi, cây phát triển khỏe, sản lượng cao, bón phân chuồng 2 lần/tháng; từ tháng 10 - 12 thời tiết lạnh, sản lượng giảm dần tiến hành bón phân 1 lần/tháng.
Sau 3 tháng xuống giống, diện tích vườn su su của gia đình anh Pó phát triển rất tốt và bắt đầu cho thu hoạch. Anh Pó chia sẻ thêm, thời điểm cắt rau thích hợp nhất là vào sáng sớm, khi chưa có ánh nắng mặt trời, ngọn rau còn đọng sương, chất lượng sẽ đạt tốt nhất, ăn mềm và ngọt hơn. Khi thu hoạch cũng cần chú ý tới kỹ thuật, lấy ngọn dài khoảng 35 cm, khi cắt để lại 2 – 3 đốt lá để cây tiếp tục đẻ nhánh mới. Trong quá trình thu hoạch kết hợp ngắt bỏ lá già, sâu bệnh, bỏ quả non để cây tập trung dinh dưỡng nuôi ngọn. Trung bình gia đình Pó thu hoạch từ 15 - 20kg rau/ngày bán tại chợ trung tâm thị trấn Yên Minh và hợp đồng cung ứng cho một số nhà hàng trên địa bàn với giá bán 25 nghìn/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng từ bán rau.
Bí thư Đoàn xã Lao Và Chải, Hoàng Xuân Tuấn cho biết: Thời gian qua phong trào lập thân, lập nghiệp được lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương hưởng ứng và xuất hiện một số mô hình, cách làm kinh tế hiệu quả, trong đó có mô hình trồng su su của đoàn viên Mua Mí Pó. Hiệu quả thực tế của mô hình khẳng định được tinh thần mạnh dạn thay đổi cây trồng, cách làm cũ để phát triển kinh tế. Mô hình đã được cấp ủy, chính quyền xã đánh giá cao và lựa chọn để nhân rộng trong thời gian tới.