Đoàn nhà báo, phóng viên, biên tập viên về nguồn tại chiến khu Rừng Sác
Ngày 24/4, Đoàn đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hành trình về nguồn đầy xúc động tại Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác tại huyện Cần Giờ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Đoàn nhà báo, phóng viên, biên tập viên về nguồn tại chiến khu Rừng Sác nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Văn Dũng
Tham gia đoàn có đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và cơ quan quản lý báo chí.
Tại khu di tích, đoàn đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại bia tưởng niệm đặc công Rừng Sác. Đồng hành cùng đoàn còn có các cựu chiến binh Tiểu đoàn 6 - Bộ Tư lệnh Đặc Công (Bộ Quốc phòng) – những người từng trực tiếp chiến đấu tại mảnh đất Cần Giờ anh hùng.
Thiếu tá Ngô Đức Thịnh, cựu chiến binh Tiểu đoàn 6 xúc động chia sẻ: “Gặp lại nhau sau hơn 50 năm, người còn, người mất, nhưng những kỷ niệm chiến trường vẫn nguyên vẹn. Chúng tôi không thể quên những đồng đội đã ngã xuống trên mặt trận miền Nam”.

Các cơ quan báo chí và Đoàn cựu chiến binh Tiểu đoàn 6, Bộ Tư lệnh Đặc công - Bộ Quốc phòng dân hương tại bia tưởng niệm đặc công chiến khu Rừng Sác. Ảnh: Văn Dũng
Hành trình về nguồn cũng khơi dậy niềm tự hào và cảm xúc mạnh mẽ trong lòng những người làm báo hôm nay.
Nhà báo Nguyễn Văn Dũng (Báo Kinh tế & Đô thị) cảm nhận : “Chiến khu Rừng Sác là nơi ghi dấu một trong những chiến khu quan trọng nhất của miền Nam, chiến khu Rừng Sác không chỉ là di tích, mà còn là biểu tượng sống động của lòng quả cảm và trí tuệ Việt Nam trong chiến tranh. Việc đánh thức tiềm năng nơi đây không chỉ là câu chuyện của ngành Du lịch – mà là trách nhiệm gìn giữ ký ức cho thế hệ mai sau”.

Mô hình trận đánh kho xăng Nhà Bè, gây thiệt hại tổng cộng khoảng 12 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Văn Dũng
Còn nhà báo Vũ Trọng Thịnh (Báo Tiền Phong) nhấn mạnh: “Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lực lượng đặc công đã góp phần quyết định vào chiến thắng. Khu di tích Rừng Sác không chỉ là nơi tri ân mà còn là bài học sống động cho thế hệ sau”.
Tại buổi thăm viếng, nhà báo Nguyễn Tân Tiến (Báo Kinh tế & Đô thị) chia sẻ: "Tôi đã viết không ít bài báo về Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác – Cần Giờ. Thật lòng, tôi rất xúc động khi trở lại nơi đây thắp hương viếng các Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2025)".
Tại căn cứ này, theo lịch sử ngày xưa, chỉ có khoảng 1.000 bộ đội đóng quân, nhưng những Anh hùng liệt sĩ đã lên đến 915 người, trong đó đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ có quê hương ở khắp các miền của Tổ quốc, vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Đoàn đại biểu các cơ quan báo chí Trung ương và TP Hồ Chí Minh chụp ảnh luu niệm tại bia tưởng niệm chiến khu Rừng Sác Ảnh: Văn Dũng
Đặc biệt, hơn 50 năm trước, chính tại chiến khu Rừng Sác, những nhà báo cách mạng thuộc Báo Giải Phóng – tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết cũng đã cùng quân dân tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần viết nên trang sử vàng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngoài các hoạt động dâng hương, đoàn còn được tham quan các hạng mục tái hiện cuộc sống, chiến đấu của các chiến sĩ đặc công như doanh trại, hầm trú ẩn, bếp dã chiến, tượng sáp mô phỏng trận đánh tiêu biểu… giúp người tham dự hiểu sâu sắc hơn về tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân dân Rừng Sác.
Hành trình về nguồn là dịp tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng cho đội ngũ những người làm báo hôm nay – những “chiến sĩ trên mặt trận thông tin”. Qua đó, tiếp tục khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn, tự hào và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp báo chí và đất nước.
Song song với hoạt động tại Rừng Sác, TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức nhiều hành trình về nguồn tại huyện Củ Chi – “Đất thép thành đồng” và khu vực nội thành với chủ đề “Từ Mậu Thân đến mùa Xuân đại thắng”, tiếp tục khẳng định vai trò của báo chí trong việc gìn giữ, lan tỏa giá trị lịch sử và truyền thống yêu nước của dân tộc.