Đoàn kết, tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong kháng chiến chống đế quốc, Bình Thuận được biết đến là một mảnh đất anh dũng, kiên cường của miền cực Nam Trung bộ với những chiến công oanh liệt, tô thắm trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc thì 50 năm sau Ngày giải phóng, Bình Thuận được biết đến là tỉnh có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại, là điểm sáng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Hôm nay chính quyền và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển nhanh và bền vững, cùng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một góc TP. Phan Thiết hôm nay.
Những thành tựu nổi bật
Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận vào tháng 8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vươn lên từ vùng đất khô, khó, khổ, chuyển mình mạnh mẽ và có những kết quả hết sức cụ thể. Bình Thuận đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng. Nhờ đó, Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc”.
Quả thật, hôm nay kinh tế nông nghiệp ở Bình Thuận từng bước được tái cơ cấu phù hợp với điều kiện và lợi thế từng vùng, theo hướng chú trọng nâng cao hiệu quả, khắc phục tình trạng độc canh cây lúa, cây thanh long vươn mình xác lập vị thế. Hiện nay, giá trị sản lượng thu hoạch bình quân 1 ha từ 5,5 triệu đồng năm 1992 lên 140 triệu đồng/ha vào năm 2024. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nắng, gió ở Bình Thuận đã không còn là bất lợi mà giờ đây trở thành lợi thế, khi mà Bình Thuận đã khẳng định vị thế là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Hiện nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện đang hoạt động, với tổng công suất 6.520 MW; với sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm. Thời gian tới, khi các nhà máy điện khí hóa lỏng LNG, điện gió ngoài khơi được đầu tư, trong tương lai không xa, Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng lớn của đất nước.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá; năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,25% cao hơn mức trung bình chung cả nước. Quy mô nền kinh tế cán mốc hơn 128 ngàn tỷ đồng, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.838 tỷ đồng. Kinh tế biển tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; giai đoạn 2021 - 2025 thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 225.137,5 tỷ đồng, tăng bình quân 11,23%/năm; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cấp, mở rộng quy mô đầu tư.
Đặc biệt, với bờ biển dài, nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử văn hóa phong phú cùng hệ thống nghỉ dưỡng, dịch vụ chất lượng cao, Bình Thuận luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, đưa Bình Thuận trở thành điểm đến hàng đầu thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Về cơ sở hạ tầng, đường lớn đã mở, Bình Thuận đã có những bước đột phá với hệ thống giao thông hiện đại. Cụ thể là đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Phan Thiết, cảng biển quốc tế Vĩnh Tân, Dự án tuyến đường ven biến, tuyến kết nối đường sắt tốc độ cao… tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, kết nối vùng và thu hút đầu tư. Môi trường đầu tư, cải cách hành chính được đẩy mạnh tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Điều này được minh chứng qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự cải thiện đáng kể. Năm 2024 đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc, đưa Bình Thuận nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Mới đây, theo Báo cáo của PAPI, năm 2024 tỉnh Bình Thuận đạt 47,126 điểm và thuộc nhóm 3 tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước.
Không chỉ phát triển kinh tế, Bình Thuận còn đặc biệt chú trọng đến đời sống, văn hóa, giáo dục và y tế. Các trường học, trung tâm đào tạo nghề được hiện đại hóa, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và các ngành công nghiệp hiện đại. Hệ thống trường học, bệnh viện ngày càng được mở rộng và nâng cấp, đảm bảo người dân được chăm sóc tốt hơn về mọi mặt. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách được thực hiện tốt bằng cả tấm lòng và trách nhiệm; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%. Tính đến nay, toàn tỉnh có 79/93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 84,95%; có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bản sắc văn hóa của Bình Thuận vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, từ văn hóa Chăm Pa cổ kính đến những lễ hội truyền thống của ngư dân miền biển. Con người Bình Thuận vẫn mang trong mình tinh thần hiếu khách, nghĩa tình, là những giá trị quý báu giúp tỉnh nhà ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ được hồn cốt quê hương. Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong tỉnh tiếp tục được nâng lên. Phong trào thi đua yêu nước được duy trì, tạo động lực thúc đẩy không ngừng tinh thần nỗ lực phấn đấu của của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.
50 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận thật sự vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Thành tựu hôm nay không phải là một sự may mắn, mà là kết tinh của biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo, của hàng triệu người dân Bình Thuận, những con người đã cống hiến hết mình cho quê hương.

Bình Thuận tiên phong trong việc phát triển các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời . Ảnh: Đ.Hòa.
Sẵn sàng tiến vào kỷ nguyên mới
Hôm nay, Bình Thuận không chỉ dừng lại ở những thành tựu đã đạt được mà phải hướng tới những mục tiêu cao hơn: Trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, phát triển kinh tế biển bền vững, xây dựng đô thị hiện đại nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh, bền vững. Để làm được điều này, phải làm tốt 5 giải pháp. Đó là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp này phải phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”, thời điểm này, cùng với cả nước, Bình Thuận đang tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tỉnh đang thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ hết sức cấp bách và quan trọng. Đó là cập nhật, cụ thể hóa, triển khai thực hiện khẩn trương, quyết liệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025 và Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng bộ gắn với xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh; giảm chồng chéo trong quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế trọng điểm, y tế, giáo dục. Gắn tinh gọn bộ máy với cơ cấu, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, đủ năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng cho được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” từ tỉnh đến xã, phường. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thật sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; chính quyền hành động, nền hành chính dân chủ, hiện đại với tinh thần chủ động, sáng tạo. Quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đất liền và biển đảo, giữa công nghiệp, nông nghiệp, du lịch – thương mại, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8% …
Chúng ta có quyền tự hào về vùng đất Bình Thuận tươi đẹp, đang chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn những bước tiến đột phá trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. 50 năm sau ngày giải phóng, vượt qua rất nhiều gian khó và thách thức để đạt được những thành tựu hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận tự hào về những gì đã qua, vững vàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.