Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tổ về các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)

Thảo luận tại tổ các ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia 3 lượt phát biểu thảo luận góp ý các dự án luật. Phú Yên Online trích đăng bài phát biểu của các ĐBQH tỉnh:

* ĐBQH Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nêu quan điểm thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Để hoàn thiện dự án luật, đảm bảo tính thực tiễn khi áp dụng, đại biểu nêu ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự án luật:

ĐBQH Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu

ĐBQH Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, phân tích, làm rõ nguyên nhân gia tăng tội phạm sử dụng dao có tính sát thương cao để nâng tính thuyết phục của phương án sửa đổi khái niệm vũ khí thô sơ, nhất là khái niệm “dao có tính sát thương cao” được quy định tại điểm b khoản 4 điều 3 dự thảo luật; việc loại trừ trường hợp sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt là chưa phù hợp, rất khó để phân biệt vì về bản chất dao có tính sát thương cao không thay đổi mà chỉ khác nhau ở mục đích sử dụng.

Thứ hai, đề nghị bổ sung nội dung cấm hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao để xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác để vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm, vừa không làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động hàng ngày của người dân. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng khung hình phạt đối với hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao để xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác so với quy định hiện hành; bổ sung chế tài xử lý người có hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao để đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác.

Thứ ba, tại điểm a khoản 1 điều 27 của dự thảo luật, để đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc gộp chung giấy phép trang bị và giấy phép sử dụng vũ khí thể thao thành 1 loại giấy phép để doanh nghiệp chỉ phải thực hiện thủ tục cấp phép một lần.

Thứ tư, việc yêu cầu phải có “báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ trong thời gian hiệu lực của giấy phép đã cấp” là chưa phù hợp và chưa rõ ràng, bởi báo cáo này sẽ không thể hiện hoặc chứng minh doanh nghiệp đáp ứng điều kiện kinh doanh - điều kiện để cấp lại giấy phép kinh doanh. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ yêu cầu trong thời gian hiệu lực của giấy phép đã cấp” tại Khoản 2 Điều 51 dự thảo luật.

Cuối cùng, trong thời gian qua, tình hình hoạt động lợi dụng không gian mạng, dịch vụ chuyển phát nhanh để mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các loại dao, kiếm, mác… diễn ra rất phổ biến và không khó để tìm kiếm, đặt hàng mua trên mạng xã hội; lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các đối tượng tháo rời chi tiết, cụm chi tiết vũ khí quân dụng vũ khí để mua bán từng bộ phận, sau khi các đối tượng đã mua đủ các bộ phận thì lắp ráp thành súng sử dụng, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Do đó, cần bổ sung quy định khái niệm linh kiện lắp ráp súng quân dụng cũng là vũ khí quân dụng.

* ĐBQH Lê Quang Đạo, thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và nội dung dự thảo luật do Bộ Công an cơ quan chủ trì soạn thảo.

ĐBQH Lê Quang Đạo, thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu

ĐBQH Lê Quang Đạo, thiếu tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu

Đại biểu cho rằng, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc chưa thống nhất với hệ thống pháp luật và tình hình thực tế (đã được nêu cụ thể trong dự thảo tờ trình).

Do đó, việc xây dựng dự án luật là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan.

Tuy nhiên, để dự thảo luật được hoàn thiện hơn, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam, tôi đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc chỉnh lý thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ, đề nghị viết lại như sau: “Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành”. Nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để phân biệt vật liệu nổ công nghiệp, vật liệu nổ quân dụng, vật liệu nổ mới, đồng thời xác định rõ thẩm quyền của Bộ trưởng Quốc phòng trong quản lý, sử dụng vật liệu nổ quân dụng.

Thứ hai, không cần thiết quy định về vấn đề quảng cáo tại dự thảo luật, đề nghị cân nhắc bỏ quy định này; khoản 15 Điều 5 Dự thảo quy định “báo cáo không kịp thời … về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” bị xếp vào các hành vi bị nghiêm cấm. “Không kịp thời” là khái niệm chưa rõ, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc là bỏ hoặc là quy định theo hướng xác định thời gian cụ thể làm căn cứ xác định vi phạm trách nhiệm báo cáo.

Thứ ba, tại điểm a khoản 1 Điều 10 đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cụm từ “vật liệu nổ quân dụng” vào sau cụm từ “sử dụng vũ khí” để bảo đảm thống nhất với nội quy định tại khoản 1 Điều này.

Thứ tư, quy định “5. Tổ chức, đơn vị được phép thực hiện đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ bao gồm: Đơn vị chuyên ngành kỹ thuật về vũ khí, công binh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; tổ chức khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.

Quy định này chưa rõ về tổ chức khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép là doanh nghiệp hay loại hình tổ chức nào, đồng thời chưa quy định hoặc giao cơ quan nào quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục để được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể hơn để bảo đảm thuận lợi khi áp dụng.

* Tham gia thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), ĐBQH Dương Bình Phú cũng đồng tình với việc cần sớm sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

ĐBQH Dương Bình Phú tham gia phát biểu

ĐBQH Dương Bình Phú tham gia phát biểu

Đại biểu nêu ý kiến: Đầu tiên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá toàn diện hơn về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong việc tổ chức thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2018.

Thứ hai, hiện nay, theo dự thảo luật, các khái niệm vũ khí đã có sự thay đổi, đặc biệt là quy định về vũ khí thô sơ. Các loại dao có tính chất sát thương cao (là vũ khí thô sơ) nếu chỉ được cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn để làm hiện vật, triển lãm, đồ gia bảo sẽ không bảo đảm phù hợp với thực tế, bởi lẽ, loại dao này được sử dụng khá phổ biến trong đời sống kinh tế, xã hội. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, có quy định cho phù hợp.

Thứ ba, về quy định quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xây dựng quy định này bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác cất giữ, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Vì kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia do Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an ban hành, nhưng thực tế tại cơ sở có những đơn vị được trang bị số lượng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ chiến đấu với số lượng không lớn (các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh; Công an huyện; Công an xã; Ban Chỉ huy Quân sự xã), với quy định như trên sẽ gây khó khăn cho các đơn vị trong việc xây dựng kho, nơi cất giữ, như khó bố trí được quỹ đất để xây dựng kho, nơi cất giữ riêng; lãng phí công năng sử dụng kho, nơi cất giữ do số lượng vũ khí, công cụ hỗ trợ ít.

QUỐC THƯỜNG(lược ghi)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/316719/doan-dbqh-tinh-phu-yen-thao-luan-to-ve-cac-du-an-luat.html
Zalo