Vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai: Cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định trong xử phạt
Pháp luật quy định mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh; mọi hậu quả phải được khắc phục theo đúng quy định và việc xử phạt phải tiến hành nhanh chóng...
Tuy nhiên, nhiều địa phương dù phát hiện vi phạm ngay từ lúc khởi phát nhưng lại lúng túng trong xử lý vì thiếu biện pháp cứng rắn để ngăn chặn hành vi vi phạm...
Những cái khó từ thực tiễn...
Xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) là địa phương có làng nghề, nhu cầu về mặt bằng sản xuất cao nên đã có nhiều vi phạm về đất đai. Dẫn chứng trường hợp cụ thể, đại diện UBND xã thông tin, khi phát hiện vi phạm, lãnh đạo xã đã cử công chức địa chính - xây dựng, đại diện thôn kiểm tra; sau đó, lãnh đạo xã trực tiếp đến hiện trường, mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã; trưởng các đoàn thể; công chức văn phòng, tư pháp, địa chính, công an, quân sự, hợp tác xã nông nghiệp; bí thư chi bộ, trưởng thôn... có mặt kiểm tra, chứng kiến, giám sát, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, tổ công tác không nhận được sự hợp tác của người vi phạm. Xử lý vụ việc này, cán bộ làm nhiệm vụ đã lập biên bản và chính quyền xã đã tổ chức giải tỏa vi phạm kịp thời, triệt để. Song, chỉ ít ngày sau, vẫn tại địa điểm này, người vi phạm lại tiếp tục có hành vi vi phạm ở phần đất liền kề và có đơn thư về quy trình xử lý của UBND xã khiến địa phương rất vất vả trong giải quyết đơn thư.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) Trình Quốc Thắng nêu thực tế, với công nghệ dựng nhà khung hiện nay, chỉ qua một đêm, công trình đã có thể hoàn thành. Không ít trường hợp phát hiện ngay từ khi công trình đặt nền móng, nhưng do quy trình xử lý phức tạp, mất nhiều thời gian nên đối tượng vi phạm lại có thêm thời gian hoàn thiện. Do vậy, nếu không có biện pháp đủ mạnh ngăn chặn ngay từ khi vi phạm manh nha thì sau đó chính quyền sở tại lại phải giải quyết hậu quả, gây phức tạp tình hình...
Ở góc độ quy trình lập hồ sơ vi phạm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Bùi Văn Hoa nhìn nhận, từ khi phát hiện công trình xây trên đất nông nghiệp và lập biên bản đến khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thời gian mất 7 ngày; trường hợp phức tạp là 30 ngày. Trong khoảng thời gian đó, nhiều trường hợp lại cố tình vi phạm tiếp... Vì Luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép khi phát hiện vi phạm được tổ chức phá dỡ ngay nên không thể kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm.
Mặt khác, khi phải tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định phải cưỡng chế đồng thời xử phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, song trên thực tế việc cưỡng chế xử phạt tiền rất khó khăn.
Cần quy trình xử lý nhanh, kịp thời
Khẳng định việc xử lý vi phạm ngay khi phát hiện sẽ mang lại hiệu quả cao, Chủ tịch UBND xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đức Cường cho biết, năm 2023, xã đã lập biên bản và xử lý “nóng” khi phát hiện một số trường hợp xây vỏ mộ trên đất nông nghiệp. Với trường hợp vi phạm trên đất không rõ nguồn gốc, không rõ chủ thể, xã sẽ lập tổ xác minh, giao trưởng thôn, công an xã, cán bộ chuyên môn giám sát... Song, không phải lúc nào lực lượng này cũng “trông” được vì họ còn phải làm việc chuyên môn. Do đó, rất cần một quy trình vừa chặt chẽ, vừa nhanh gọn để xử lý vi phạm hiệu quả.
Cùng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Nguyễn Trần Vượng cũng đề xuất, với trường hợp vi phạm đã rõ nguồn gốc, ranh giới, chủ thể... thì cần quy trình riêng, đơn giản, nhanh gọn. Trường hợp không rõ các yếu tố liên quan mới cần tiến hành theo quy định hiện hành.
Từ những khó khăn trong xử lý vi phạm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Bùi Văn Hoa kiến nghị cơ quan chức năng cụ thể hóa trình tự phá dỡ công trình khi phát hiện vi phạm để kịp thời ngăn chặn. Khi phải cưỡng chế vi phạm, không nên quy định bắt buộc phải cưỡng chế đồng thời xử phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Văn Kiều (Công ty Luật TNHH PT, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu: Khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính đề cập hình thức xử phạt: “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính”; tuy nhiên, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (hiệu lực từ ngày 5-1-2020) lại không còn quy định hình thức trên, nên các địa phương rất lúng túng trong vận dụng quy định pháp luật. Do đó, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Những sai phạm, vi phạm về đất đai đang diễn biến có chiều hướng phức tạp, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung quy định trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Đây là đòi hỏi từ thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh.