Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về một số dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Đại biểu Lê Đào An Xuân điều hành phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Đại biểu Lê Đào An Xuân điều hành phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 10 dưới sự chủ trì, điều hành của Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Đào An Xuân. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự phiên thảo luận.

Phát biểu gợi ý thảo luận, đồng chí Lê Đào An Xuân gợi ý một số nội dung trọng tâm để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận, đảm bảo hoàn thành phiên thảo luận theo nội dung, chương trình kỳ họp đề ra.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, các ĐBQH tỉnh cho rằng, dự án luật được sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh đặc biệt, cấp thiết, gắn với việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; có ý nghĩa quan trọng cả về mặt chính trị, pháp lý và lịch sử của đất nước. Các ĐBQH tỉnh đề nghị dự án luật sửa đổi, bổ sung các điều, khoản phải đáp ứng các yêu cầu theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án luật; hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.

Về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các ĐBQH tỉnh thống nhất với sự cần thiết ban hành luật và cho rằng, việc xây dựng dự án luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý; đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Liên quan đến dự án luật này, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, hiện nay, một số doanh nghiệp đa quốc gia, tập đoàn lớn có trụ sở ở nước ngoài đang sử dụng nền tảng ở ngoài lãnh thổ nước ta để thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 26 của Luật An ninh mạng quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định điều này cho thống nhất với Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ thể dữ liệu cá nhân là công dân Việt Nam.

Về quy định mua, bán dữ liệu cá nhân, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, dữ liệu cá nhân là một loại hàng hóa đặc biệt, giao dịch là nhu cầu rất thực tế và thực tiễn đã diễn ra. Nếu cấm hoàn toàn mua, bán dữ liệu cá nhân có thể sẽ dẫn đến tình trạng biến tướng khi có nhu cầu chuyển giao dữ liệu, ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, nên cần phải quy định theo hướng thông thoáng hơn gắn với chế tài mạnh, khả thi, để khơi thông nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, không cản trở thị trường dữ liệu, thông qua tăng cường minh bạch, giám sát chặt chẽ, áp dụng công nghệ bảo vệ tiên tiến, đảm bảo quyền lợi chủ thể dữ liệu và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW và thống nhất với quy định của Luật Dữ liệu năm 2024.

Cũng liên quan đến Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, Luật An toàn thông tin mạng 2015 có điều khoản giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng đồng thời kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang được Quốc hội thảo luận, chuẩn bị thông qua tại kỳ họp này cũng có quy định giao Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ KH&CN quy định cụ thể các hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực Bộ Quốc phòng quản lý. Ngoài ra, Nghị định 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ giao Bộ Quốc phòng quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và áp dụng các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng cũng có một số quy định đã được thực tiễn chứng minh cần được luật hóa trong dự thảo luật.

Do đó, tại khoản 3 Điều 51 dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan ban hành danh mục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu cá nhân, trừ dữ liệu cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng” nhằm phân định rõ thẩm quyền của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến dữ liệu cá nhân của các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng (dữ liệu sĩ quan, quân nhân, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan binh sĩ, công chức, viên chức quốc phòng…).

Bên cạnh đó, các ĐBQH tỉnh tham gia góp ý các nội dung khác của phiên thảo luận.

QUỐC LUÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202505/doan-dbqh-tinh-phu-yen-thao-luan-tai-to-ve-mot-so-du-an-luat-c1157d6/
Zalo