Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham dự thảo luận ở hội trường

Ngày 14/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); thảo luận về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

ĐBQH Lê Đào An Xuân phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: THÙY LÂM

ĐBQH Lê Đào An Xuân phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: THÙY LÂM

Tham gia thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân; đặc biệt việc tăng cường vận động Nhân dân góp ý qua hệ thống VneID đã đem lại kết quả tích cực. Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi 8/120 điều, ĐBQH thống nhất với nội dung dự thảo trong đó việc sửa đổi bổ sung quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân. Về tổ chức chính quyền 2 cấp, các ĐBQH cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân. Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước, cho thấy khả năng bảo đảm hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn.

Có chính sách hợp lý đối với đối tượng là người hoạt động không chuyên trách

Một trong những đối tượng chịu tác động khi thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là lực lượng hoạt động không chuyên trách, dự kiến sẽ kết thúc hoạt động vào tháng 8/2025. Xét về tiêu chuẩn, trình độ, người hoạt động không chuyên trách gần như tương đương với công chức cấp xã, nhưng chế độ đãi ngộ thấp hơn, trong khi đó, khối lượng công việc đảm nhận không nhỏ, đặc biệt đây là lực lượng gần dân, sát dân nhất. Tuy nhiên khi nghỉ việc do sắp xếp, họ không thuộc nhóm đối tượng áp dụng và không được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP cũng như Nghị định 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu áp dụng theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế, do phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay không cao, nên mức trợ cấp đối với các đối tượng này sẽ rất thấp. Bên cạnh đó, những người hoạt động không chuyên trách ở độ tuổi không còn trẻ nên khi nghỉ việc thì rất khó xin được việc làm mới.

Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm, nghiên cứu có chính sách hợp lý đối với đối tượng là người hoạt động không chuyên trách để đảm bảo tương xứng với trách nhiệm và mức độ cống hiến của nhóm đối tượng này như: xem xét, bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố vào Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ và thực hiện chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có tuổi đời còn từ đủ 02 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2025 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu; chính sách thôi việc ngay đối với các trường hợp còn lại. Đối với người hoạt động không chuyên trách có thời gian công tác dưới 5 năm, được hưởng trợ cấp 01 lần (bằng số tháng công tác nhân với mức phụ cấp hiện hưởng); được hưởng trợ cấp tìm việc làm (bằng 05 tháng phụ cấp hiện hưởng); đối với người hoạt động không chuyên trách có thời gian công tác từ đủ 05 năm trở lên, được hưởng trợ cấp 01 lần (bằng 60 tháng phụ cấp hiện hưởng) và được hưởng trợ cấp thâm niên (từ năm thứ 06 trở đi, mỗi năm công tác được hưởng 01 tháng phụ cấp hiện hưởng); ngoài ra, người hoạt động không chuyên trách được hưởng trợ cấp tìm việc làm (bằng 05 tháng phụ cấp hiện hưởng).

Làm rõ tiêu chí về đánh giá kết quả công việc.

Đối với Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Lê Đào An Xuân có góp ý để làm rõ thêm Điều 30 của dự thảo quy định về đánh giá công chức, trọng tâm là bổ sung thêm tiêu chí đánh giá là kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết các nội dung của Điều này với một số nội dung trọng tâm như: Làm rõ tiêu chí về Đạo đức công vụ, dù đã được nêu tại Điều 13 của dự thảo, nhưng khi đưa vào để đánh giá, vẫn là tiêu chí mang tính định tính.

Dẫn chứng trong những ngày gần đây, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đưa vào ứng dụng chỉ số KPI, chỉ số đánh giá hiệu suất công việc - vốn được áp dụng thành công từ lâu ở khu vực tư, để áp dụng vào khu vực công. Đại biểu cho rằng đây là một định hướng đúng.

Để giải pháp này đi vào thực chất, đại biểu đề xuất ba luận điểm quan trọng, cụ thể: (1) Thiết kế chỉ số đánh giá kết quả phải gắn với đặc thù của vị trí việc làm và hành trình phát triển nghề nghiệp của công chức. Khu vực công khác doanh nghiệp ở chỗ có rất nhiều vị trí việc làm có đặc điểm, cách thức tổ chức thực hiện khác nhau, nhiều công việc mang tính dài hạn, có kết quả mang tính gián tiếp. Nếu dùng KPI để chấm điểm theo quý, theo năm, thì sẽ rất khó khích lệ người dám làm, dám theo đuổi, dám chịu trách nhiệm. Vì vậy, KPI cần được thiết kế như tấm bản đồ phát triển, giúp cán bộ nhìn thấy con đường tiến bộ của mình. Chỉ khi KPI trở thành công cụ phát triển nghề nghiệp thay vì “thẻ điểm hành chính”, chúng ta mới khơi dậy được tinh thần đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ. (2) Không thể “đo” hiệu quả nếu không có điều kiện “thực hiện”.

Một trong những rào cản lớn khi áp KPI vào khu vực công là: nhiều vị trí công chức chịu trách nhiệm nhưng không có quyền hạn, hoặc bị phụ thuộc vào đơn vị khác. Nhiều nơi còn thiếu cả công cụ thực hiện, nhân sự, ngân sách. Muốn KPI hiệu quả, phải đi kèm một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ: số hóa quy trình, phân quyền rõ ràng, cơ chế phối hợp minh bạch. KPI không thể tách rời bối cảnh thực thi - nếu không, sẽ giống như việc áp dụng ISO trước đây, chỉ tạo thêm thủ tục hành chính, mà không cải thiện hiệu quả. (3) Cần tăng cường vai trò của người đứng đầu - chính là người sử dụng lao động với cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, có sự đánh giá đa chiều, trong đó cần ưu tiên về khả năng đáp ứng về mặt chuyên môn, kèm theo đó là cơ chế kiểm tra, giám sát độc lập kết quả đánh giá nhằm giảm thiểu tiêu cực, nâng cao tính khách quan. Người đứng đầu thường phải chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, khi xét mức độ thực hiện nhiệm vụ luôn phải gắn với chất lượng của cơ quan, nhưng lại hầu như không thể can thiệp gì vào đội ngũ của mình. Quy định thì không rõ ràng, thiếu thẩm quyền nhưng lại chịu áp lực rất lớn từ các rào cản tâm lý và văn hóa tổ chức trong hệ thống công: Tư tưởng “tình nghĩa”, “nể nang”, “ngại va chạm”, dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”, “chấp nhận gồng gánh” để ai cũng hoàn thành nhiệm vụ. Luật cần mạnh dạn quy định cơ chế “trách nhiệm cá nhân” cho người đứng đầu trong đánh giá cán bộ, công chức.

Đại biểu cho rằng, nếu ta chỉ coi KPI hay bất cứ phương pháp đánh giá nào được sử dụng là công cụ để “chấm điểm” cuối năm, thì chúng ta sẽ có những con số đẹp nhưng không thay đổi về bản chất. Nhưng nếu coi chỉ số đánh giá là công cụ định hướng, dẫn dắt và phát triển đội ngũ, thì chúng ta sẽ có một nền công vụ trưởng thành, chuyên nghiệp và thực chất. Và khi đó, chắc chắc chúng ta sẽ thu hút được người tài vào khu vực công.

THÙY LÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/202505/doan-dbqh-tinh-phu-yen-tham-du-thao-luan-o-hoi-truong-4e96cc9/
Zalo