Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri
2024 tiếp tục là năm thành công, ghi dấu nhiều kết quả nổi bật, toàn diện của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh với sự đổi mới, quyết tâm cao, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động, bồi đắp niềm tin, kỳ vọng trong lòng cử tri và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Xác định trọng tâm, hoạt động hiệu quả
Cùng với tinh thần quyết tâm của Quốc hội, năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ và khơi thông những điểm nghẽn lớn về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Những đóng góp này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.
Trong đó, công tác lập pháp được xác định là ưu tiên hàng đầu. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đại biểu, đảm bảo mọi ý kiến tham gia đều sâu sát và chất lượng. Với các dự án luật có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động tới nhiều nhóm đối tượng và còn nhiều quan điểm trái chiều, đoàn đã linh hoạt kết hợp nhiều phương pháp, như tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản, thực hiện khảo sát thực tế và tổ chức các hội nghị chuyên đề. Những hoạt động này có sự tham gia của các chuyên gia, cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan nhằm đảm bảo tính toàn diện và khách quan.
Là năm Quốc hội thực hiện khối lượng lập pháp lớn nhất từ trước tới nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 8 hội nghị xây dựng pháp luật; lấy ý kiến góp ý bằng văn bản vào tất cả 29 dự án luật được xem xét, thông qua, 10 dự án luật khác cho ý kiến lần đầu, cùng với nhiều nghị quyết tại các kỳ họp thứ 7, thứ 8 và 4 kỳ họp bất thường. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham gia đóng góp, đoàn đã gửi đến các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ĐBQH trong đoàn làm tư liệu nghiên cứu tham gia thảo luận tại các kỳ họp. Cùng đó, trong vai trò là thành viên các Ủy ban của Quốc hội, các ĐBQH trong đoàn đã tích cực tham gia các hội nghị, thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật và nội dung quan trọng liên quan đến các kỳ họp.
Phát huy cao độ trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, các ĐBQH trong đoàn luôn tích cực, chủ động tham gia phát biểu thảo luận, ghi dấu ấn tại nghị trường với những nội dung kiến nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn. Đơn cử như: đề xuất sớm có quy định quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; giải pháp sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường; đấu tranh, phản bác và bảo vệ hàng hóa, thương hiệu Việt; khuyến khích hòa giải, đối thoại; tăng nhân lực thẩm phán, đầu tư cơ sở vật chất ngành tư pháp…
Tại các kỳ họp, các đại biểu thảo luận, thống nhất bấm nút thông qua nhiều cơ chế, chính sách quan trọng nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề cấp bách trong thực tiễn, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân như: 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, 1 luật sửa 9 luật về kinh tế, Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Sửa đổi một số điều Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Công đoàn (sửa đổi); Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, về phòng, chống ma túy; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận...
Bằng cách tiếp cận khoa học và thực tiễn, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh và đất nước.
Các ĐBQH trong đoàn đã tham dự đầy đủ các phiên họp (các kỳ họp bất thường lần thứ 5, 6, 7 và các kỳ họp thứ 7, thứ 8). Với 79 buổi thảo luận ở hội trường, 28 buổi thảo luận ở tổ và 6 buổi thảo luận tại đoàn, các ĐBQH trong đoàn phát biểu 77 lượt ý kiến, tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; chất vấn, tham gia ý kiến góp ý các dự án luật và nghị quyết; các ý kiến đều được chủ tọa kỳ họp đánh giá cao.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng điều hành khoa học, hiệu quả các phiên thảo luận tổ 16 gồm đại biểu các tỉnh: Lai Châu, Lâm Đồng, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Tĩnh.
Sát đúng, hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc
Với quan điểm giám sát “đúng” và “trúng” những vấn đề bất cập trong thực tiễn, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh được triển khai một cách có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao. Trong năm, đoàn đã tổ chức và hoàn thiện báo cáo 4 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện Nghị quyết 43 và các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam; quản lý thị trường bất động sản và nhà ở. Đồng thời, các ĐBQH trong đoàn còn tham gia tích cực vào các đoàn giám sát và khảo sát do các cơ quan của Quốc hội cũng như của địa phương tổ chức.
Quá trình giám sát, đoàn chú trọng kết hợp việc xem xét báo cáo và khảo sát, kiểm tra thực tế, đảm bảo bám sát trọng tâm và đi sâu vào các vấn đề dư luận, cử tri quan tâm. Qua đó, đoàn thu thập được cái nhìn toàn diện về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương; đồng thời kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và vướng mắc. Trên cơ sở đó, đoàn đã chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra những giải pháp, kiến nghị xác đáng, đồng thời yêu cầu và đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết triệt để.
Trong hoạt động chất vấn, các ĐBQH trong đoàn luôn thẳng thắn đề cập đến những vấn đề “nóng” được cử tri và Nhân dân quan tâm. Minh chứng cụ thể, Đoàn đã chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về các cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, cũng như việc chậm trễ ban hành danh mục và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công, gây ảnh hưởng đến cơ chế tự chủ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Hay như việc chất vấn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về định mức chi phí giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự; chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy hoạch và điều hành phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Những nội dung chất vấn này đều được các bộ trưởng tiếp thu nghiêm túc, giải trình thẳng thắn, nhận trách nhiệm và cam kết các giải pháp cụ thể để khắc phục.
Tiếp xúc, lắng nghe, hành động - niềm tin từ cử tri
Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, hoạt động tiếp xúc cử tri luôn được Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh quan tâm, có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Đoàn đặc biệt chú trọng việc thông tin kịp thời, tránh trùng lặp và chồng chéo, đồng thời đi sâu sát cơ sở để thu hút sự tham gia đông đảo của cử tri. Trong năm, đoàn tổ chức 26 hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ, 1 cuộc tiếp xúc cử tri toàn tỉnh và 2 cuộc tiếp xúc chuyên đề. Tại các cuộc gặp gỡ, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã thông tin kịp thời về nội dung, chương trình kỳ họp; báo cáo kết quả sau kỳ họp và các hoạt động của đoàn, tạo được sự gắn kết và đồng thuận cao từ cử tri.
Qua các đợt tiếp xúc trước và sau các kỳ họp thứ 7, thứ 8, các ĐBQH cùng chính quyền địa phương đã trực tiếp trao đổi, giải đáp các ý kiến, kiến nghị kịp thời tháo gỡ, hạn chế tình trạng kiến nghị lặp lại nhiều lần. Đoàn đã tổng hợp 44 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương và 14 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền tỉnh. Các ý kiến cơ bản được các cơ quan trả lời đúng thời hạn; những nội dung trả lời chưa thỏa đáng tiếp tục được đoàn kiến nghị và theo dõi sát sao, đảm bảo phản hồi tới cử tri. Chính nhờ sự tận tâm và minh bạch này, cử tri và Nhân dân ngày càng tin tưởng, ghi nhận vai trò của Đoàn, đồng thời tiếp tục gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến các ĐBQH.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đoàn không chỉ thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân mà còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật. Trong năm, đoàn đã tiếp nhận 70 đơn, thư từ công dân, chuyển 5 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, đồng thời lưu giữ đúng quy định những đơn đã được giải quyết hoặc trùng lặp.
Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được đoàn đặc biệt chú trọng, với sự chủ động theo dõi và đôn đốc thực hiện các kiến nghị giám sát. Những nỗ lực bám sát, kiên trì giải quyết đến cùng của Đoàn đã góp phần củng cố niềm tin của cử tri và người dân, khẳng định vai trò cầu nối vững chắc giữa Quốc hội và Nhân dân.
Thấu hiểu, sẻ chia những hoàn cảnh khó khăn, tri ân những người đi trước, nhân các dịp lễ tết, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các gia đình có công với cách mạng, công nhân, người lao động, hộ nghèo và các hộ gặp hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2024, đoàn đã trao quà cho 1.905 đối tượng với tổng trị giá 1,165 tỷ đồng, đồng thời bàn giao 1 nhà công vụ nội trú cho giáo viên tại xã Hương Lâm trị giá 2 tỷ đồng và hoàn thiện 7 nhà nhân ái với tổng kinh phí 510 triệu đồng. Những món quà ý nghĩa và thiết thực không chỉ thể hiện sự tri ân, chia sẻ mà còn là nguồn động viên tinh thần, lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng.
Bước sang năm 2025, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vu quan trọng, mỗi đại biểu xác định sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành trọng trách của người đại biểu dân cử, đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của cử tri. Phát huy những kết quả đã đạt được, tin tưởng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục để lại những dấu ấn sâu sắc trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước.
Với tinh thần trách nhiệm và sự khẩn trương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh sẽ mang những chủ trương của Đảng đến gần hơn với thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.