Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận tại hội trường dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 14-5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận góp ý kiến cho các nội dung này.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong hệ thống cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với tinh thần sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Cán bộ, công chức hiện hành.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự phiên thảo luận tại hội trường.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự phiên thảo luận tại hội trường.

Ngoài ra, các đại biểu tham gia thảo luận về các nội dung cụ thể của dự thảo như: Sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh; thống nhất chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; nguyên tắc thi hành công vụ, quản lý cán bộ, công chức; chính sách thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ; về nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức; về vị trí việc làm công chức và ngạch công chức; về chuyên gia cao cấp, chuyên viên, cán sự, nhân viên; về điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức; về đào tạo, bồi dưỡng công chức; về thôi làm nhiệm vụ, từ chức, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức và về các điều khoản chuyển tiếp; công tác tuyển dụng, đánh giá và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, cùng các chính sách đặc thù; chính sách đối với cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; chế độ làm việc từ xa, trực tuyến, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách…

Tham gia thảo luận tại hội trường đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang quan tâm vấn đề bình đẳng giới và trách nhiệm người đứng đầu. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm bày tỏ sự tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức nhằm xây dựng nền công vụ thực tài, thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, đến xã. Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố bình đẳng giới trong dự án luật. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, dưới góc độ đánh giá tác động về giới, dự án luật liên quan trực tiếp đến nguồn nhân lực nam và nữ trong thi hành công vụ. Do vậy, có nhiều vấn đề bình đẳng giới cần xem xét. Việc sửa đổi luật lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, nhất là trong lĩnh vực chính trị.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị: "Yếu tố giới trong các quy định về phương thức tuyển dụng công chức, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia các công việc của Nhà nước và xã hội quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng chế độ thai sản đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức quy định xử lý vi phạm đối với phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi… rất cần Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để thực hiện đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới".

Về nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng đề xuất cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng giới tại các điều khoản liên quan trong dự thảo luật. Cụ thể như: “tại Điều 9 nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu cần phải bổ sung nghĩa vụ thực hiện bình đẳng giới của người đứng đầu”. Bởi lẽ, người đứng đầu sẽ thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thi hành công vụ của cán bộ, công chức nên cần phải thực hiện nguyên tắc này và đảm bảo không có bất kỳ sự phân biệt đối xử về giới nào tại cơ quan, đơn vị mình.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm còn đề nghị bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ cho người lao động và phòng, chống quấy rối. Đồng thời, cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung nguyên tắc áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới khi cần thiết trong tuyển dụng công chức, nhằm đảm bảo bình đẳng giới thực chất, đặc biệt trong các ngành nghề có sự chênh lệch lớn về giới tính.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm dẫn chứng: "Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022 - 2023, giáo viên nữ chiếm 79,1% bậc giáo dục tiểu học. Việc thiếu giáo viên nam tại cấp tiểu học cũng là một thiệt thòi cho các em học sinh ngay ở cấp học đầu đời. Một số nước như Nam Phi đã có quy định 10% lao động nữ trong ngành khai thác thành phố Amsterdam, Hà Lan yêu cầu các trung tâm hỗ trợ gia đình phải có ít nhất 25% nhân viên nam. Nhiều quốc gia đã sử dụng các chính sách hỗ trợ về tài chính, truyền thông để đảm bảo bình đẳng giới trong các ngành nghề, lĩnh vực đặc thù. Do vậy, việc đảm bảo bình đẳng giới với các nhóm đặc thù như là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, đảm bảo cả phụ nữ và nam giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực, một mặt vừa đảm bảo quyền cơ hội bình đẳng cho các cá nhân, mặt khác mang lại sự phát triển đa dạng, toàn diện cho các nghề nghiệp khác nhau của đời sống xã hội".

Phiên thảo luận đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các ĐBQH đối với việc hoàn thiện dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Các ý kiến đóng góp của các ĐBQH sẽ là cơ sở quan trọng để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua, góp phần xây dựng một nền công vụ thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và bình đẳng. Việc thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ và chế độ công vụ được kỳ vọng sẽ đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới với nền hành chính phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-thao-luan-tai-hoi-truong-du-an-luat-can-bo-cong-chuc-sua-doi-1042531/
Zalo