Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thảo luận ở tổ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Thực hiện nội dung, chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay (5/5 ), sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Quốc hội đã nghe một số báo cáo, tờ trình.

Cụ thể như: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 và Báo cáo thẩm tra; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

 Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 14.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 14.

Sau đó, các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tại tổ thảo luận số 14 (gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa), đại biểu Lê Quốc Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chủ trì phiên thảo luận.

Tại đây đã có 5 đại biểu nêu ý kiến thảo luận, đa số các ý kiến bày tỏ nhất trí với nội dung các tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự cần thiết cũng như phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đồng tình với dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên, do đồng chí Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch, thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Bắc Giang phát biểu thảo luận.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Bắc Giang phát biểu thảo luận.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn Bắc Giang nhất trí với các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình. Đại biểu cho rằng phạm vi và nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Việc sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần bám sát chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu: Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến Nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Tiến Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-bac-giang-thao-luan-o-to-ve-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013-postid417478.bbg
Zalo