Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận ở tổ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận ở tổ 16.

Các đại biểu tham dự buổi thảo luận.

Các đại biểu tham dự buổi thảo luận.

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội, đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam tham gia ý kiến một số nội dung về: Rút ngắn thời gian phát biểu lần thứ nhất của ĐBQH; chủ thể có trách nhiệm giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội; hiệu lực thi hành của nghị quyết; quy định về nội quy kỳ họp…

Phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tại khoản 3, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 37a, đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng: Việc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của trưởng đoàn kiểm tra trong thời hạn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra được quy định tại “điểm g” để bảo đảm tính kịp thời trong xử phạt vi phạm hành chính khi dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bỏ thanh tra chuyên ngành tại các bộ, cơ quan ngang bộ, các sở (trừ một số đơn vị đặc thù). Tuy nhiên, hiện nay chưa có Luật về kiểm tra, nên dễ dẫn đến việc không nhất quán, thống nhất trong xử phạt vi phạm hành chính giữa các ngành, lĩnh vực. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu có hướng dẫn về nội dung này trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, rà soát từng chức danh thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan như: Pháp lệnh về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán; dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)...

Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

Tại khoản 25, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 126 Luật hiện hành quy định: Trường hợp không xác minh được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, thì người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện theo giá thị trường trong trường hợp: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn thời hạn sử dụng dưới 06 tháng tính từ thời điểm bị hết hạn tạm giữ hoặc dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận.

Việc bổ sung quy định này cần nghiên cứu tác động đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu tài sản bị bán nhanh chóng trong các trường hợp như quy định, thì chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dẫn đến việc mất tài sản mà không có cơ hội giải quyết tranh chấp. Khi phương tiện bị tịch thu và bán đi, người vi phạm hoặc chủ sở hữu mất quyền sử dụng và sở hữu tài sản đó, điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của họ, đặc biệt nếu phương tiện đó là công cụ mưu sinh. Giá bán của phương tiện có thể thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế hoặc giá trị sử dụng của nó, dẫn đến thiệt hại tài chính cho chủ sở hữu ban đầu. Đề nghị, trong các trường hợp như trên cần quy định theo hướng thực hiện biện pháp xử phạt bổ sung là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm thay vì cho phép bán tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp trên.

Tại khoản 1 Điều 122 Luật hiện hành, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung thêm việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính “đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo”. Vì khoản 1, Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về tạm giữ người “Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác”... gây rất khó khăn cho các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển...

Hiện nay, nhiều trường hợp vi phạm hành chính là người nước ngoài hoặc người Việt Nam nhưng không có nơi cư trú ổn định, ít có mặt ở địa phương hoặc giấy tờ ghi nơi đăng ký thường trú khác nơi ở hiện nay, người vi phạm không có điều kiện nộp phạt tại chỗ, không mang theo tiền, tài sản, phương tiện, giấy tờ tạm giữ để bảo đảm cho việc thực hiện quyết định xử phạt; nhiều hành vi vi phạm hành chính có dấu hiệu của tội phạm... cần có thời gian điều tra, xác minh làm rõ (hành vi, nhân thân…) hoặc cần giám định tang vật để có căn cứ ra quyết định xử phạt, nhưng không được tạm giữ, do đó khó khăn trong xử lý, giải quyết vụ việc…

Đóng góp ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nam Phạm Hùng Thắng cho rằng, hiện nay trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, phát sinh một số nội dung không thực hiện theo luật mà thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung điều, khoản quy định “Trong quá trình thực hiện sắp xếp bộ máy, các nội dung được Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh thì thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội”.

Mai Hương (Tổng hợp)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/nguoi-dai-bieu-nhan-dan/doan-dai-bieu-quoc-hoi-ha-nam-thao-luan-o-to-161823.html
Zalo