Đoàn công tác Hiệp hội Sắn Việt Nam làm việc với tỉnh Sơn La
Ngày 24/9, Đoàn công tác của Hiệp hội Sắn Việt Nam do ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Sơn La về kế hoạch phát triển phát triển bền vững ngành sắn trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với Đoàn, có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan và các huyện có vùng nguyên liệu sắn.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 526.800 ha sắn, tập trung tại 10 huyện trên địa bàn, năng suất bình quân đạt 12,25 tấn/ha. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, xưởng bột ẩm, gồm: Công ty CP chế biến nông sản BHL Sơn La, công suất 60.000 tấn tinh bột/năm; Công ty CP chế biến nông sản Hồng Hà Sơn La, công suất 10.000 tấn tinh bột/năm; Công ty CP TBS FOCOCEV - Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La, công suất 40.000 tấn tinh bột/năm. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ khác của nhân dân tại một số xã trong tỉnh.
Đến nay, 2/3 nhà máy đã đầu tư hệ thống biogas để xử lý nước thải, đảm bảo tiêu chuẩn ngành, vừa thu hồi được khí gas sấy bột, sấy bã, vừa giảm chi phí sản xuất; đầu tư hệ thống sấy bã để xử lý mùi hôi bã tươi, vừa dự trữ kho bã sấy được lâu, vừa tăng hiệu quả kinh tế khi bán phụ phẩm bã sấy khô. Ngoài ra, Công ty CP Chế biến Nông sản BHL Sơn La đã và đang đầu tư dây chuyền sản xuất tinh bột sắn biến tính, nâng cao chuỗi giá trị từ cây sắn.
Tại cuộc làm việc, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các nhà máy sắn đầu tư vùng nguyên liệu sắn, bắt buộc các nhà máy sắn đầu tư về giống, phân bón, biện pháp canh tác... đảm bảo nguyên liệu tối thiểu 50% công suất. Giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất chế biến sắn không đủ điều kiện, không đáp ứng tiêu chuẩn xả thải ra môi trường; xây dựng kế hoạch tạo ra các mô hình liên kết để có kinh phí phát triển giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh, năng suất cao. Đồng thời, hỗ trợ tư pháp cho các nhà máy trong việc quản lý sản phẩm sắn củ tươi sau đầu tư.
Đối với doanh nghiệp, chủ động triển khai kế hoạch đầu tư thâm canh gắn vùng nguyên liệu với nhà máy. Tiếp tục đầu tư cải tiến công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Mở rộng sản xuất theo hướng chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, như tinh bột biến tính, mạch nha...
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Công đánh giá cao sự phối hợp của Hiệp hội Sắn Việt Nam và cam kết, tỉnh Sơn La sẽ chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn nữa việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình trồng, chế biến các sản phẩm từ sắn. Đề nghị Hiệp hội Sắn sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường, đảm bảo các điều kiện hoạt động tại địa phương; xử lý tốt chất thải trong quá trình chế biến các sản phẩm từ sắn. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các phương pháp chế biến sâu, nhằm tăng giá trị sản phẩm sắn, đem lại thu nhập ổn định cho nhân dân.