Đoàn công tác của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ninh Thuận

Chiều 9/5, tại thành phố Nha Trang, Đoàn công tác của Bộ Chính trị do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ninh Thuận về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương; thành lập Ban Chỉ đạo liên tỉnh hợp nhất tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận do Bí thư Tỉnh ủy hai tỉnh làm Trưởng ban.

Về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính 2 tỉnh, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Ninh Thuận xây dựng đề án sáp nhập các cơ quan, đơn vị. Về Dự thảo Báo cáo chính trị, Tổ Văn kiện của hai tỉnh đang nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện và sẽ trình Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ của 2 tỉnh vào giữa tháng 5/2025.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận tham mưu xây dựng báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ của hai tỉnh (số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra, cùng vấn đề thuận lợi, khó khăn…), xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đối với việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sắp xếp, Khánh Hòa còn 41 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 29 xã, 11 phường, 1 đặc khu); tỷ lệ tinh gọn đạt 68,93%. Ninh Thuận sau sắp xếp còn 24 đơn vị hành chính cấp cơ sở, đạt 61,3%...

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác và đại biểu 2 tỉnh nêu lên những thực tế khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Đoàn công tác mong muốn trong quá trình sắp xếp, hai tỉnh không để xảy ra khoảng trống trong quá trình làm việc, đội ngũ viên chức phải thực sự gắn với địa bàn, có đức và tài để làm nhiệm vụ; quan tâm và có chế độ, chính sách phù hợp, kịp thời cho người lao động...

Đại diện tỉnh Khánh Hòa cho biết đường truyền kết nối từ cấp tỉnh đến các xã, phường hiện nay đã thông suốt; Khánh Hòa sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ trung ương xuống tỉnh, xã, phường theo phương thức mã hóa thông tin. Cùng với đó, việc thực hiện KPI của Khánh Hòa sau 1 năm sẽ có cơ sở để đánh giá sắp xếp, tiếp tục tinh gọn bộ máy, đồng thời tạo ra môi trường minh bạch, cán bộ có cơ hội làm việc, phấn đấu.

Để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có sự thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng vùng 2 và 3 lên 90%, trọng tâm là phát triển du lịch chất lượng, năng lượng sạch và công nghiệp công nghệ cao.

Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang gợi mở, Ninh Thuận có thuận lợi về tài nguyên nắng và gió, là tiềm năng tự nhiên phát triển điện rất thuận lợi. Cùng với đó, Ninh Thuận và Khánh Hòa đều có những lợi thế nhất định, hoàn toàn không có sự xung đột về lợi ích, cùng dựa vào nhau phát triển nên rất thuận lợi sau khi sáp nhập tỉnh mới.

Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh, sau khi Quốc hội kết thúc kỳ họp, các khung sắp xếp về mặt chính quyền cho tỉnh mới phải xong. Khi hai tỉnh sáp nhập, các nhiệm vụ phải được phân công rõ ràng, tránh tình trạng thủ tục hành chính dồn lại. Khi sắp xếp cán bộ, cấp ủy phải có người am hiểu công nghệ, để hoạch định đường lối chủ trương khoa học công nghệ và để theo dõi giám sát, để kịp thời điều chỉnh các chính sách.

Ông Trần Lưu Quang đánh giá cao việc chuẩn bị từ sớm của hai tỉnh trong việc thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy trong 5 năm tới; chuẩn bị cơ sở vật chất, chính sách cho người đi làm xa. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị hai tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, bám cơ sở trong quá trình thực hiện sắp xếp, bởi hiện nay chúng ta “vừa chạy, vừa xếp hàng”, các chủ trương, chính sách có sự thay đổi liên tục, đảm bảo bộ máy nhà nước tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Các bên phải đảm bảo nguyên tắc, hài hòa nhân sự sau sắp xếp, tránh "mầm mống" mất đoàn kết nội bộ.

Đối với những việc cấp bách, Khánh Hòa và Ninh Thuận cần ưu tiên thực hiện. Các tài sản dôi dư, công trình đầu tư công đang xây dựng phải được tính toán kỹ. Quan trọng nhất, là vấn đề khoa học công nghệ, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang giao tỉnh Khánh Hòa phải chuẩn bị thật tốt nền tảng trước khi sáp nhập thành tỉnh Khánh Hòa mới. Văn kiện không được làm theo hình thức gộp cơ học, hai tỉnh cần phải đảm bảo quy mô, tính chất, nội dung có tính phát triển tỉnh mới cao nhất.

Tin, ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/doan-cong-tac-cua-bo-chinh-tri-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-tinh-uy-khanh-hoa-va-ninh-thuan-20250509180057917.htm
Zalo