Đoàn Bắc Giang góp ý vào các dự thảo luật về tổ chức cơ quan thanh tra, cơ quan tòa án và viện kiểm sát

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 8/5, tại Tổ thảo luận số 14 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tại đây đã có 6 đại biểu phát biểu và bày tỏ tán thành sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn được nêu trong các tờ trình. Việc sửa đổi, bổ sung các luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan tòa án và viện kiểm sát theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

 Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại tổ.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại tổ.

Việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng điều kiện xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025; các đại biểu cũng thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Góp ý kiến vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 10 và Điều 15 của dự thảo Luật… được cơ quan chủ trì soạn thảo giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành là chưa thực sự bám sát những yêu cầu đổi mới.

Cụ thể, quy định Thanh tra Chính phủ có nhiệm vụ: “Thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ”; “Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ đại diện chủ sở hữu”; quy định Thanh tra tỉnh giúp UBND cấp tỉnh “quản lý nhà nước về công tác thanh tra”...

Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, các quy định này chỉ phù hợp với bối cảnh ở các bộ có thanh tra bộ, khi đó cơ bản mọi hoạt động thanh tra do thanh tra bộ thực hiện, còn Thanh tra Chính phủ chỉ tiến hành thanh tra đối với một số trường hợp có yêu cầu cụ thể nêu trên. Tuy nhiên, theo yêu cầu sắp xếp, tinh gọn hệ thống cơ quan thanh tra, do không còn thanh tra bộ nên mọi việc cần thanh tra thuộc lĩnh vực quản lý của bộ đều thuộc thẩm quyền thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Đối với thanh tra tỉnh, do Luật hiện hành quy định ở một số sở chuyên môn và UBND cấp huyện có tổ chức cơ quan thanh tra nên thanh tra tỉnh cần phải giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, nay sửa đổi Luật dự kiến ở mỗi tỉnh chỉ còn duy nhất một cơ quan thanh tra chính là thanh tra tỉnh nên không còn yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra nữa.

Từ những lý do đã nêu, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và vị trí, chức năng của thanh tra tỉnh trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ, bám sát kết luận, chỉ đạo của Đảng và yêu cầu đổi mới về mô hình tổ chức của các cơ quan thanh tra sau sắp xếp.

Góp ý về quy định tạm dừng thanh tra (Điều 30), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được tạm dừng thanh tra so với Luật hiện hành, cụ thể là khi “tình hình thực tế ảnh hưởng đến việc tiến hành thanh tra trực tiếp theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền” (điểm b, khoản 1, Điều 30).

Về nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cân nhắc vì căn cứ để xác định trường hợp được tạm dừng thanh tra không rõ, rất khó để xác định như thế nào là “tình hình thực tế ảnh hưởng đến việc tiến hành thanh tra trực tiếp” và cũng không rõ “cơ quan, người có thẩm quyền” là cơ quan, người có thẩm quyền nào và ở cấp nào. Mặt khác, với cách quy định như vậy có thể bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng một cuộc thanh tra có thể tạm dừng ở bất kỳ thời điểm nào; đồng thời, do không xác định thời hạn tạm dừng nên không rõ khi nào sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra, có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các trường hợp khác được tạm dừng thanh tra trong dự thảo Luật để bảo đảm minh bạch.

Cuối cùng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần phải quy định chuyển tiếp để bảo đảm đầy đủ, tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện, không tạo khoảng trống pháp lý hoặc phát sinh khó khăn, vướng mắc quy định tại điều khoản chuyển tiếp.

Tiến Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/doan-bac-giang-gop-y-vao-cac-du-thao-luat-ve-to-chuc-co-quan-thanh-tra-co-quan-toa-an-va-vien-kiem-sat-postid417705.bbg
Zalo