Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung: Chỉ thanh tra khi có bằng chứng vi phạm rõ ràng

Không thể thanh tra vì 'dấu hiệu vi phạm' mơ hồ. Doanh nghiệp cần môi trường đầu tư được bảo vệ bằng luật. Người ra quyết định sai phải chịu trách nhiệm.

Chiều 8/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về ba dự án luật gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đề nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật tư pháp, bảo đảm đồng bộ và thống nhất

Tại Tổ 13, đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn Bắc Ninh) đã tham gia phát biểu góp ý, tập trung vào hai dự án luật có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy và hiệu lực kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp và thanh tra. Phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Trần Quốc Tỏ đánh giá hồ sơ dự án luật đã được xây dựng đúng quy định, bảo đảm chất lượng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn Bắc Ninh)

Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn Bắc Ninh)

Việc sửa đổi là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương tiếp tục sắp xếp mô hình tổ chức tòa án theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả. Đại biểu đồng tình với phạm vi sửa đổi tập trung vào tổ chức bộ máy, phù hợp với yêu cầu của các nghị quyết và kết luận của Trung ương.

Đại biểu lưu ý cần rà soát nội dung dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất với các dự án luật đang được sửa đổi đồng thời tại kỳ họp này trong lĩnh vực tư pháp hình sự như Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Đặc xá năm 2018. Việc này nhằm tránh chồng lấn, trùng lặp và bảo đảm sự đồng bộ trong toàn bộ hệ thống pháp luật tư pháp.

Trong khi dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã bổ sung quy định liên quan đến Luật Đặc xá năm 2018 thì dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lại chưa thể hiện rõ điều này. Đại biểu đề nghị chuyển các nội dung sửa đổi liên quan đến Luật Đặc xá năm 2018 sang Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính thống nhất. Đồng thời khẳng định Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao để rà soát các quy định liên quan trong Luật Đặc xá, tránh bỏ sót nội dung.

Kiến nghị chỉnh lý quy định về kế hoạch thanh tra, bảo đảm sát thực tiễn

Góp ý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Quốc Tỏ nhận định rằng việc sửa đổi luật lần này là cần thiết để thực hiện hiệu quả chủ trương cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy thanh tra theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các cấp thanh tra hiện nay.

Đại biểu đề nghị chỉnh lý khoản 2 Điều 18 của dự thảo luật theo hướng: Việc xây dựng và ban hành kế hoạch thanh tra phải căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực và địa phương.

Đồng thời, đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ trách nhiệm và thời hạn trong quy trình lập và phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm. Cụ thể: Chậm nhất ngày 15 tháng 11 hằng năm, Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch thanh tra của mình. Trước ngày 20 tháng 11, Chánh Thanh tra các bộ, ngành, địa phương trình kế hoạch lên cấp có thẩm quyền để xem xét, cho ý kiến. Trước ngày 30 tháng 11, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm cho ý kiến phê duyệt. Sau đó, trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, Chánh Thanh tra ban hành kế hoạch thanh tra chính thức.

Theo đại biểu, việc quy định cụ thể về thời hạn và trách nhiệm trong quy trình xây dựng kế hoạch thanh tra sẽ giúp tăng tính chủ động, bảo đảm đồng bộ và kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng hoạt động thanh tra trên thực tế.

Chỉ thanh tra khi có bằng chứng, không chỉ là “dấu hiệu vi phạm”

Góp ý thẳng thắn về Dự án Luật thanh tra, Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) phân tích rằng nhiều quy định hiện tại trong dự thảo vẫn chưa khắc phục được nguy cơ lạm dụng quyền lực, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bà dẫn chứng tại các điểm h khoản 1 Điều 10; điểm d khoản 1 Điều 11; khoản 2 Điều 14; điểm d khoản 1 Điều 16; khoản 2 Điều 17 và khoản 3 Điều 19 đều quy định được phép tiến hành thanh tra khi có “dấu hiệu vi phạm”.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc)

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc)

Đại biểu cho rằng cách quy định như vậy là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, bởi “dấu hiệu vi phạm” là khái niệm mơ hồ, thiếu căn cứ cụ thể, dễ bị lạm dụng. Thay vào đó, bà kiến nghị sửa đổi theo hướng: Chỉ tiến hành thanh tra khi có bằng chứng rõ ràng về hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm nếu quyết định sai.

Bà nhấn mạnh, quy định như vậy vừa bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, vừa thực hiện đúng tinh thần cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tránh tình trạng thanh tra tràn lan, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Cả hai đại biểu đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kiểm sát. Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung chỉ ra rằng điểm c khoản 1 Điều 16 của dự thảo quy định Thanh tra tỉnh được thanh tra lĩnh vực do sở quản lý, trong khi Thanh tra Bộ cũng có thể thanh tra cùng lĩnh vực đó tại địa phương. Đây là mâu thuẫn nội tại nếu không có phân định rõ ràng.

Tại Chương 7 của dự thảo, bà phát hiện nội dung xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán đã có, nhưng với kiểm sát thì lại bỏ trống. Bà kiến nghị bổ sung cơ chế phân định trách nhiệm giữa thanh tra và cơ quan kiểm sát trong một số lĩnh vực như thi hành án dân sự hiện thuộc Bộ Tư pháp quản lý, nhằm tránh mâu thuẫn, giẫm chân giữa các đơn vị.

Bên cạnh đó, góp ý vào Điều 61 về hoạt động kiểm tra chuyên ngành và thanh tra nội bộ, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 2 như sau: Tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan.

Dự thảo Luật quy định các cơ quan thanh tra gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế).

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-thai-quynh-mai-dung-chi-thanh-tra-khi-co-bang-chung-vi-pham-ro-rang-386659.html
Zalo