Độ xe - lằn ranh sáng tạo và lách luật
Việc độ xe cũng còn nhiều chuyện phải bàn, ngoài tiền bạc và kỹ thuật, còn một thử thách không kém phức tạp là vấn đề pháp lý.
Thú chơi xe độ tại Việt Nam nhen nhóm từ đầu thập niên 2000, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh sau năm 2010, khi thị trường ô tô bắt đầu mở rộng, nhiều mẫu xe thể thao, xe sang được nhập về. Tuy nhiên, việc độ xe cũng còn nhiều chuyện phải bàn, ngoài tiền bạc và kỹ thuật, còn một thử thách không kém phức tạp là vấn đề pháp lý.
Ngày càng nhiều dịch vụ chuyên nghiệp
Từ Nam ra Bắc, không khó để tìm thấy các gara, xưởng độ với đủ loại dịch vụ và phong cách cùng nguồn cung linh, phụ kiện dồi dào và đạt chuẩn quốc tế.

Chiếc siêu xe Ferrari 488 GTB độc nhất tại Việt Nam với bản độ kết hợp giữa Mansory và Pogea Racing, trang bị hàng loạt bộ phận giá trị có số lượng giới hạn.
Đến nay, có không ít sự kiện của cộng đồng chơi xe độ tại Việt Nam đã để lại dấu ấn lớn. Đơn cử, Car Passion lần đầu được tổ chức năm 2011, quy tụ hàng loạt bản độ siêu xe độc đáo trên hành trình xuyên Việt như: Lamborghini Huracan độ Mansory, Ferrari 458 độ Liberty Walk, Lamborghini Aventador Liberty Walk Limited Edition 50, hay Ferrari 488 GTB độ SVR.
Nhiều quốc gia đã có quy định cho việc độ xe. Ví dụ như Thái Lan cho phép độ xe nhưng bắt buộc phải kiểm định lại an toàn kỹ thuật nếu tham gia giao thông. Nhật Bản có cả một ngành công nghiệp độ xe, nhưng xe độ buộc phải đăng ký, gắn biển số riêng hoặc giới hạn phạm vi sử dụng. Ở Mỹ, hầu hết các bang đều cho phép, miễn là không ảnh hưởng đến khí thải, tiếng ồn và an toàn.
Những người đam mê vượt địa hình có giải đấu Vietnam Off-road Cup (VOC), diễn ra thường niên từ năm 2008 đến nay, với sự tranh tài của hàng trăm tay lái trên toàn quốc. Các vận động viên được tự do tùy biến chiếc xe như nâng gầm, thay lốp gai, gắn tời, cản sắt… miễn đảm bảo an toàn.
Hay như EMMA Việt Nam là giải thi đấu âm thanh xe hơi chuyên nghiệp đã có 8 sự kiện được tổ chức hằng năm.
Có kinh nghiệm gần hai thập kỷ chơi xe độ, anh Tuấn Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giai đoạn 2000-2010, số lượng gara chuyên nghiệp không nhiều, người chơi phải tự mày mò hoặc đặt đồ từ nước ngoài.
Sau 2010, thị trường ô tô tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện của các dòng xe thể thao như Ford Mustang, Subaru WRX STI, BMW M3, hay những mẫu Mercedes-AMG. Các gói độ từ nước ngoài được nhập về nhiều, "xịn" và đa dạng hơn, từ độ thân vỏ (bodykit), ống xả, cho đến bộ tăng áp, ECU động cơ... kéo theo sự ra đời của các dịch vụ độ xe chuyên nghiệp, cùng những câu lạc bộ và hội, nhóm chơi xe quy mô lớn.
Không chỉ là làm đẹp
Đến nay, độ xe ô tô không đơn thuần là làm đẹp phần ngoại thất như dán decal, lắp bodykit thể thao hay nâng cấp đèn, mà còn cả độ nội thất, độ động cơ hay độ off-road.

Không đơn thuần là làm đẹp ngoại hình, nhiều chiếc ô tô còn được độ động cơ, hộp số, hệ thống phanh... để biểu diễn và tham gia các giải thi đấu.
Độ nội thất có những hình thức phổ biến như bọc ghế da Nappa hay Alcantara, lắp màn hình lớn, dàn âm thanh cao cấp, đèn viền, vô-lăng thể thao, ghế trượt điện...
Những người muốn tăng sức mạnh và hiệu suất vận hành có thể độ động cơ bằng cách lắp thêm các bộ tăng áp, chỉnh hệ thống điều khiển động cơ (remap ECU), hay nâng cấp hệ thống ống xả.
Ngoài ra, còn có độ off-road để tăng cường khả năng vượt địa hình cho những chiếc xe bán tải hay SUV. Ví dụ như thay lốp địa hình, cản trước/sau, lắp thanh giằng, tời kéo hay nâng cấp hệ thống treo.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Theo anh Đức Hoàng, kỹ thuật viên của một xưởng nâng cấp ô tô trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), việc độ xe luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn cả về chi phí, kỹ thuật lẫn quy định pháp lý.

Siêu xe Lamborghini Aventador với gói độ của Liberty Walk trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Ví dụ độ thân vỏ, giá một bộ bodykit chính hãng hoặc hàng cao cấp như: Liberty Walk, Rocket Bunny, Mugen... có thể dao động từ hàng chục đến vài trăm triệu đồng, tùy mẫu xe và chất liệu nhựa ABS, composite hay sợi carbon.
Với những mẫu hiếm hoặc xe sang, bodykit có khi còn đắt hơn cả giá trị chiếc xe cũ. Đơn cử, bộ bodykit Liberty Walk cho xe Nissan GTR hơn 300 triệu đồng chưa gồm chi phí vận chuyển, thuế và công lắp đặt. Ngoài ra, còn có chi phí sơn, lắp ráp, chỉnh sửa khung gầm có thể thêm vài chục triệu nữa tùy độ phức tạp.
Hầu hết các bộ bodykit phải đặt từ nước ngoài. Việc đặt hàng chính hãng qua đại lý hoặc hãng độ lớn đôi khi phải chờ nhiều tháng do thời gian sản xuất hoặc vận chuyển đường biển dài.
Đây là loại hàng cồng kềnh, dễ vỡ nên vận chuyển khó khăn và tốn kém, nhất là nếu chọn đường hàng không.
Mặt khác, một số hãng bảo hiểm không chịu trách nhiệm với xe độ nếu không khai báo trước hoặc không có giấy tờ chứng minh độ hợp pháp, hay chứng nhận về kiểm định an toàn kỹ thuật của xe sau khi đã độ.
Việc độ xe có thể ảnh hưởng đến hệ thống cảm biến, radar, camera lùi... đặc biệt với các xe đời mới, dẫn đến lỗi hệ thống hoặc mất bảo hành.
Anh Huy Hoàng, chủ cơ sở độ âm thanh xe hơi tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, chi phí nâng cấp một hệ thống loa bình dân hiện nay chỉ khoảng 20 triệu đồng, nhưng với loại cao cấp có khi hàng tỷ đồng.
Không gặp khó khi đăng kiểm như độ bodykit vì không ảnh hưởng kết cấu xe, song một mẫu ô tô độ cả dàn âm thanh trong và ngoài sẽ nặng thêm khoảng 200-300kg, dẫn đến tốn nhiên liệu hơn.
Ranh giới giữa đam mê và lách luật
Theo những người có thâm niên trong lĩnh vực xe độ, ngoài chuyện tiền bạc và kỹ thuật, còn một thử thách không kém phức tạp là vấn đề pháp lý.
Theo quy định, chủ xe không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, màu sắc của phương tiện. Điều này đồng nghĩa với việc lắp bodykit, cánh gió, đèn LED, mâm lớn... đều có thể bị xem là trái phép. Việc độ máy, độ pô cũng có thể bị xếp vào diện làm thay đổi thông số, đặc tính kỹ thuật của xe.
"Những người chơi xe độ lâu năm đều đã quen với việc gần đến kỳ đăng kiểm sẽ tháo hết phụ kiện độ, rồi đến khi đăng kiểm xong lại lắp vào như cũ. Hoặc khi bị xử lý cũng không cãi được.
Ở một số nước như Thái Lan hay Mỹ, xe độ có thể được kiểm tra, cấp phép kỹ thuật và sử dụng hợp pháp. Trong khi đó tại Việt Nam, ranh giới giữa độ xe và lách luật rất gần. Nhiều người chơi xe độ cá nhân do chưa tìm hiểu kỹ không biết phải xin phép ai, theo quy trình gì, và cũng chẳng biết bản độ của mình có hợp pháp hay không cho tới khi bị kiểm tra", anh Tuấn Anh nhận xét.
Những người chơi xe độ cho rằng, hiện vẫn đang thiếu là một hành lang pháp lý rõ ràng. "Rất nhiều người đơn giản chỉ muốn thể hiện một phần cá tính của bản thân qua chiếc ô tô, hoặc giúp xe vận hành tốt hơn. Nếu có quy định rõ ràng, họ sẵn sàng tuân thủ", một người chơi xe độ bày tỏ.
Tại Việt Nam, Thông tư 43/2023 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã bổ sung 9 trường hợp độ xe ô tô vẫn được chấp thuận đăng kiểm từ ngày 15/2/2024 gồm: Thay cửa lên xuống khoang hành khách; thay một số kết cấu thùng chở hàng; lắp, thay hoặc tháo nắp che thùng của xe bán tải; lắp thêm đèn sương mù; thay cụm đèn pha bằng đèn đã được chứng nhận; thay bóng đèn pha; đổi kiểu dáng một số chi tiết thân vỏ như lưới tản nhiệt, cánh lướt gió; lắp thêm bậc bước chân, trang trí ống xả; thay các chi tiết thân vỏ mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.
Ô tô con được lắp thêm, thay hoặc tháo giá nóc mà không làm thay đổi chiều rộng; xe bán tải lắp thêm, thay hoặc tháo nắp che thùng nhưng không thay đổi kích thước sẽ được miễn lập hồ sơ thiết kế.