Đọ sức mạnh quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân giữa hai quốc gia Nam Á này khi mỗi nước sở hữu gần 200 đầu đạn nguyên tử.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan leo thang. Ảnh minh họa: Business Standard

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan leo thang. Ảnh minh họa: Business Standard

Theo tờ Business Standard, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã lên tới đỉnh điểm sau vụ tấn công ngày 22/4 tại Pahalgam, một thị trấn thuộc khu vực Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir. Các nạn nhân chủ yếu là khách du lịch Ấn Độ tới thăm một danh lam thắng cảnh nổi tiếng. New Delhi gọi đây là vụ tấn công khủng bố và cáo buộc Pakistan có liên quan.

Tiếp đó, Ấn Độ và Pakistan đã có hàng loạt động thái trả đũa nhau. New Delhi đã đình chỉ Hiệp ước nước Indus, đóng cửa khẩu Attari, thu hồi visa của công dân Pakisan và giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại phái bộ Pakistan. Đáp trả, Pakistan đình chỉ Hiệp định Simla, thử tên lửa dọc đường biển, dừng dịch vụ thương mại và thị thực với Ấn Độ.

Tình hình xấu đi nghiêm trọng và quân đội cả hai nước được đặt trong tình trạng báo động cao. Tới sáng sớm 7/5, Ấn Độ đã triển khai chiến dịch quân sự Sindoor, tấn công chính xác vào 9 địa điểm liên quan tới các nhóm bị New Delhi coi là khủng bố ở Pakistan và tại khu vực Pakistan kiểm soát ở Kashmir. Đây là những vụ tập kích sâu nhất vào trong lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971.

Theo các nhà phân tích quốc phòng, bất cứ động thái hay tính toán sai lầm nào cũng có thể đẩy Ấn Độ và Pakistan vào một cuộc xung đột công khai. Dưới đây là so sánh về năng lực quân sự của hai nước láng giềng có vũ trang hạt nhân này:

Thứ bậc của Ấn Độ và Pakistan trên bản đồ quân sự thế giới

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Hỏa lực toàn cầu (GFP) 2025, Ấn Độ hiện đứng thứ 4, trong khi Pakistan xếp thứ 12 trong số 145 quốc gia được xem xét đánh giá hàng năm.

Trong khi đó, theo tạp chí Military Watch, Ấn Độ nằm trong số các cường quốc quân sự bậc 2, còn Pakistan thuộc các cường quốc quân sự bậc 3.

Ngân sách quốc phòng

Trong Ngân sách liên bang năm 2025, Ấn Độ đã phân bổ khoảng 79 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng trong năm tài chính 2025 - 2026, tăng 9,5% so với năm trước. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ chiếm 1,9% GDP dự kiến trong năm 2024-2025 và 13,45% ngân sách của chính phủ.

Trong khi đó, Pakistan phân bổ khoảng 7,6 tỷ USD cho lực lượng vũ trang trong năm tài chính 2025-2026, chiếm khoảng 1,7% GDP. Các con số phản ánh khoảng cách tài chính đáng kể, có thể ảnh hưởng tới năng lực hoạt động và hiện đại hóa quân đội Pakistan so với nước láng giềng.

Thông tấn xã PTI đưa tin, chi tiêu quân sự của Ấn Độ trong năm 2024 gấp gần 9 lần Pakistan. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của Ấn Độ cao thứ 5 toàn cầu, tăng 1,6% lên tới 86,1 tỷ USD, trong khi Pakistan chỉ chi 10,2 tỷ USD.

Số lượng quân nhân

So sánh số lượng quân nhân giữa Pakistan và Ấn Độ. Ảnh: Newsweek

So sánh số lượng quân nhân giữa Pakistan và Ấn Độ. Ảnh: Newsweek

Ấn Độ đang duy trì khoảng 1,46 triệu quân nhân thường trực và 1,15 triệu quân dự bị. Trong khi đó, số quân thường trực của Pakistan chỉ là 654.000 người và khoảng 500.000 nhân viên bán quân sự.

Sức mạnh xe tăng và xe bọc thép

Quân đoàn thiết giáp của Ấn Độ tự hào có hơn 4.200 xe tăng, từ loại T-90 Bhishma tới các biến thể Arjun bản địa, trong khi Pakistan chỉ có 2.627 xe tăng. Đội xe bọc thép gồm 148.594 chiếc của Ấn Độ cũng gấp 3 lần Pakistan, cho thấy New Delhi đang có lợi thế rõ ràng trong giao chiến cơ giới trên bộ.

Số máy bay phản lực và máy bay chiến đấu

Ấn Độ hiện vận hành 2.229 máy bay quân sự, trong đó có 513 máy bay chiến đấu các loại như Rafale, Su-30MKI và Tejas. Với 1.399 máy bay và 328 chiến đấu cơ, Pakistan tụt sau Ấn Độ đáng kể cả về cả số lượng và năng lực.

Ấn Độ cũng có lợi thế về trực thăng và nền tảng tiếp nhiên liệu trên không, khi sở hữu 899 trực thăng, vượt xa con số 373 trực thăng của Pakistan. New Delhi đang có 6 máy bay tiếp dầu trên không, trong khi đối thủ Pakistan chỉ sở hữu 4 máy bay cùng loại.

Mặc dù có quy mô nhỏ hơn, nhưng Pakistan vẫn trang bị cho lực lượng không quân các tiêm kích như JF-17 Thunder và F-16. Đáng chú ý, Pakistan sở hữu số máy bay huấn luyện quân sự (556 chiếc) nhiều hơn Ấn Độ (351 chiếc), giúp nước này tăng cường khả năng huấn luyện.

So sánh năng lực hạt nhân và tên lửa

Cả Pakistan và Ấn Độ đều sở hữu vũ khí hạt nhân và các hệ thống phóng. Tên lửa Agni-V của Ấn Độ có tầm bắn hơn 5.200km và quá trình phát triển liên tục của Agni-VI nhấn mạnh khả năng răn đe của nước này đối với cả Pakistan và Trung Quốc.

Shaheen-III, tên lửa tầm xa nhất của Pakistan có tầm bắn khoảng 2.750km. Các báo cáo cho thấy, Pakistan đang nỗ lực nâng tầm bắn của tên lửa này lên hơn 3.000km với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Quốc và Belarus.

Ấn Độ có lợi thế về nhân khẩu học

Ấn Độ hiện có lợi thế nhân khẩu học khi hàng năm có gần 24 triệu người đến tuổi nhập ngũ, trong khi Pakistan chỉ có khoảng 4,8 triệu người đủ tuổi gia nhập quân đội mỗi năm.

Dân số trẻ giúp quân đội Ấn Độ có nguồn cung bền vững hơn. Lực lượng bán quân sự gồm 2,5 triệu người của Ấn Độ càng giúp nước này củng cố năng lực an ninh nội bộ và quản lý biên giới.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/do-suc-manh-quan-su-giua-an-do-va-pakistan-2398660.html
Zalo