Đổ bệnh vì cuồng 'drama'

Việc theo dõi các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội không kiểm soát trong thời gian dài sẽ dẫn đến hệ lụy xấu về sức khỏe cả thể chất và tinh thần

Mới đây, một "drama tình ái" giữa streamer ViruSs và TikToker Ngọc Kem làm dậy sóng cộng đồng. Màn livestream đối chất giữa đêm khuya này đã thu hút 1,4 triệu người quên ngủ để xem trực tuyến, bày tỏ quan điểm đấu tố vô bổ.

Hóng xuyên đêm để thỏa mãn

N.Q.T (22 tuổi, ở TP HCM) là một trong số hàng triệu người bị cuốn theo vụ việc. T. và bạn cùng phòng đã thức cả đêm để theo dõi "drama tình ái" này. Trước đó, streamer trên vốn được biết đến là người có tài năng với những buổi phát sóng hấp dẫn, thu hút người xem. Tuy nhiên, sự việc trên xảy ra, T. cảm thấy buồn và muốn tìm hiểu sự thật về con người mà mình từng ngưỡng mộ. "Thực sự cảm thấy thất vọng vì một người mình từng cho là tài năng. Khi theo dõi thông tin trong livestream, mọi thứ không như tưởng tượng. Mình nghĩ rằng những điều này sẽ không xảy ra với một người như anh ta, song khi chứng kiến mọi chuyện, cảm giác rất bức xúc cho người trong cuộc" - T. bày tỏ.

Các câu chuyện đời tư của người nổi tiếng luôn là chủ đề thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng mạng Ảnh: QUỲNH TRÂM

Các câu chuyện đời tư của người nổi tiếng luôn là chủ đề thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ cộng đồng mạng Ảnh: QUỲNH TRÂM

ThS tâm lý Trần Quang Trọng, Khoa Tâm lý lâm sàng - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết thông tin tiêu cực lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội sẽ càng thu hút sự chú ý của con người, gây nên một vòng xoáy tò mò khiến người xem khó thoát ra. Ở sự vụ nói trên không chỉ dừng lại ở câu chuyện tình cảm mà còn phản ánh sức mạnh của mạng xã hội trong việc tạo ra những cơn bão thông tin, tác động mạnh đến tâm lý cộng đồng. "Trong tâm lý học, con người luôn bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực. Điều này không phải là một hiện tượng mới mà là một bản năng đã có từ lâu trong lịch sử phát triển loài người" - ThS Trọng lý giải.

Cũng theo ThS Trọng, việc theo dõi các vụ bê bối có thể chia thành 2 loại: Sự tò mò lành mạnh và tò mò không lành mạnh. Tò mò lành mạnh giúp con người cập nhật thông tin, nhận biết được các nguy hiểm và có thể dừng lại khi cần thiết mà không bị ảnh hưởng quá mức đến cuộc sống. Tuy nhiên, nếu sự tò mò đi quá xa khiến người xem không thể ngừng theo dõi, cảm thấy thiếu thốn hoặc bất an khi không nắm bắt được những thông tin đó. "Điều này sẽ trở thành một vấn đề tâm lý khiến chúng ta rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu và nghiện theo dõi những câu chuyện tiêu cực để thỏa mãn nhu cầu thông tin của mình" - chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.

Đánh đổi sức khỏe

Đề cập những dấu hiệu khi sự tò mò trở thành vấn đề tâm lý như bực bội, lo lắng, trầm cảm, ThS Trọng cho rằng những người này sẽ cảm thấy bất an, lo sợ về sự thiếu hụt thông tin, có dấu hiệu căng thẳng rõ rệt, công việc, học tập bị ảnh hưởng nặng, thậm chí gây ra những vấn đề về giấc ngủ và tâm trạng. "Nếu tiếp tục theo dõi các thông tin tiêu cực trong thời gian dài, người xem dễ rơi vào tình trạng lo âu và bi quan. Điều này có thể dẫn đến rối loạn lo âu, thiếu niềm tin vào xã hội và thậm chí là trầm cảm. Các thông tin tiêu cực liên tục sẽ khiến người xem cảm thấy thế giới xung quanh đầy rẫy nguy hiểm và bất ổn, làm giảm khả năng cảm nhận tích cực trong cuộc sống" - ThS Trọng cảnh báo.

Chỉ riêng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5-6 trường hợp đến khám về tâm lý, trong đó đa số là người trẻ độ tuổi 18-24. Bệnh nhân đến khám liên quan lo âu, căng thẳng, đặc biệt là sau các kỳ nghỉ lễ hoặc sự kiện quan trọng. Số người này không chỉ lo lắng về các vấn đề cá nhân như công việc, tình cảm mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như tin tức tiêu cực từ gia đình, xã hội, công việc không thuận lợi. Thậm chí, có những trường hợp bị lo lắng quá mức khi xem các thông tin như xung đột địa chính trị hay các vấn đề kinh tế.

ThS tâm lý Phan Thị Hoài Yến, giảng viên Bộ môn Giáo dục sức khỏe và Tâm lý học - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cảnh báo việc thức đêm theo dõi "drama" không chỉ đơn thuần là hóng thông tin mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là vấn đề giấc ngủ. Bởi ngủ không đủ giấc sẽ phá vỡ hệ sinh học, lâu dài khiến cơ thể kiệt sức; sức đề kháng suy giảm dẫn đến dễ mắc các bệnh lý về chuyển hóa, tim mạch và giảm khả năng chống lại bệnh tật.

"Bên cạnh đó, việc liên tục tiếp nhận thông tin tiêu cực, đặc biệt là trước khi ngủ, sẽ khiến chất lượng giấc ngủ giảm sút, gây mất ngủ, giấc ngủ không sâu và làm tăng cortisol - hormone căng thẳng, từ đó tạo ra sự lo âu kéo dài. Ngoài ra, việc nhìn vào màn hình trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc cận thị. Lối sống thụ động khi thức khuya cũng dẫn đến tích tụ mỡ thừa trong cơ thể, tăng nguy cơ béo phì" - ThS Yến nhấn mạnh.

Giới chuyên môn khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe tâm lý, mỗi người cần chủ động trong việc kiểm soát thông tin mà mình tiêu thụ. Nếu một xì-căng-đan xuất hiện, hãy tự hỏi liệu nó có ảnh hưởng đến bạn không, nếu không, hãy bỏ qua.

"Đặc biệt, việc giữ một lịch trình sinh hoạt lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoài trời, giao lưu bạn bè và tham gia các cộng đồng tích cực sẽ giúp tâm lý của mỗi người trở nên ổn định hơn. Hơn nữa, việc thay đổi môi trường và cách sử dụng mạng xã hội sẽ giúp tạo ra một không gian lành mạnh hơn cho người sử dụng" - một chuyên gia lưu ý.

"Đừng để những thứ tiêu cực chiếm quá nhiều thời gian và đừng đánh đổi giấc ngủ, sức khỏe chỉ để chạy theo những điều vô nghĩa.

Đảo lộn giá trị văn hóa, đạo đức

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM), gần đây, một số TikToker, streamer nổi tiếng đã gây ra tranh cãi trực tuyến trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý và tạo nên dư luận lớn. Các thông tin sai lệch, vu khống và xúc phạm không chỉ làm tổn hại danh dự của cá nhân mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, tổ chức và giá trị văn hóa, đạo đức. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh sử dụng mạng xã hội để công kích, xúc phạm người khác hay còn gọi là "bắt nạt trực tuyến". Dưới góc độ pháp lý, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, theo điều 8 và 16 Luật An ninh mạng 2018, hành vi livestream công khai tố cáo, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Ngoài ra, việc phát tán thông tin đời tư cá nhân mà không có sự đồng thuận có thể vi phạm quyền riêng tư và làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Những hành vi này có thể bị xử lý hành chính với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" và "Làm nhục người khác" với mức phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, nếu gây thiệt hại, người vi phạm còn phải bồi thường theo quy định tại Bộ Luật Dân sự. Để tránh những hậu quả pháp lý không mong muốn, mỗi cá nhân cần tự ý thức quản lý thông tin cá nhân trên mạng xã hội, chấp hành pháp luật và tôn trọng quyền lợi của người khác.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/do-benh-vi-cuong-drama-196250404210023125.htm
Zalo