Dịp nghỉ lễ, đi lại thế nào để tránh bị tắc đường?
Việc chủ động nắm bắt tình hình giao thông, di chuyển vào khung giờ thấp điểm sẽ giúp người dân tránh được cảnh ùn tắc kéo dài trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Nắm bắt tình hình giao thông
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm là thời điểm người lao động cả nước được nghỉ ngơi dài ngày sau những tháng ngày làm việc và học tập căng thẳng.
Tuy nhiên, cùng với niềm vui ấy, vấn đề ùn tắc giao thông lại trở thành nỗi lo thường trực tại các đô thị lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các điểm có khu vui chơi, giải trí, tham quan, du lịch.
Thực tế cho thấy, những ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ thường xảy ra tình trạng quá tải tại các bến xe, nhà ga, sân bay và các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố.

Việc nắm rõ tình hình giao thông sẽ giúp tránh được cảnh ùn ú.
Để có thể tránh được tình trạng này, người tham gia giao thông nên thay đổi thói quen di chuyển, tham khảo thông tin về lộ trình từ các kênh thông tin trực tuyến hoặc ứng dụng chỉ đường trước khi bắt đầu hành trình.
Anh Đặng Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh có một thói quen đó là trước khi bắt đầu hành trình về quê vào các dịp nghỉ lễ, anh sẽ tham khảo thông tin từ một số kênh đài radio như FM90, điều này giúp cập nhật tình hình giao thông trực tiếp.
"Nếu cung đường đang định di chuyển có thông tin ùn tắc, tôi sẽ chuyển sang cung đường khác để di chuyển dễ dàng hơn. Ngoài ra có thể sử dụng ứng dụng chỉ đường, các ứng dụng này đều có tính năng hiển thị tình trạng giao thông giúp nắm rõ được tuyến đường đó có tắc hay không", anh Hùng cho biết thêm.
Thay đổi phương tiện và khung giờ di chuyển
Một giải pháp khác giúp tránh khỏi tình cảnh tắc đường là thay vì các phương tiện cá nhân, người tham gia giao thông nên sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện hoặc dịch vụ xe chung.
Việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân trong những ngày cao điểm không chỉ giúp giảm mật độ lưu thông mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí.

Để tránh tình trạng tắc đường nên hạn chế di chuyển vào các khung giờ cao điểm.
Ngoài ra, theo tâm lý thông thường, người dân có thói quen xuất phát kỳ nghỉ vào buổi chiều của ngày hôm trước kỳ nghỉ và quay trở về vào ngày cuối của kỳ nghỉ. Đây chính là lý do khiến lưu lượng phương tiện giao thông trên đường lớn tăng và có thể xảy ra ùn ứ.
Do đó, lời khuyên là nên thay đổi thời điểm xuất phát để tránh cảnh kẹt xe. Ví dụ, người dân có thể xuất phát vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn để tránh các khung giờ cao điểm.
Đặc biệt, để tránh xảy ra cảnh ùn tắc kéo dài người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức trong việc đi đường như không chen lấn, vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, làn đường.
Đối với các cung đường dài, việc giữ khoảng cách an toàn, không bấm còi liên tục, không phanh gấp… cũng là yếu tố quan trọng vừa giúp giảm thiểu ùn tắc, vừa đảm bảo an toàn.