Định vị Việt Nam là Trung tâm đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức công bố ngày 1/10 là Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia, khẳng định vị thế đổi mới của Việt Nam.
Nhấn mạnh đến tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro để vượt lên giới hạn chính mình vì tương lai tươi sáng của đất nước, theo Thủ tướng, Việt Nam cần vươn lên trong quá trình đổi mới sáng tạo của thế giới, phải luôn bắt kịp đến cùng.
Việc Việt Nam khẳng định sẵn sàng tâm thế trong một “sân chơi lớn”, cho thấy đứng trước cơ hội lớn, chúng ta chấp nhận đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất có thể là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với “những người khổng lồ” trong khu vực và trên thế giới.
Trên thực tế, theo dữ liệu công bố tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Việt Nam có “trong tay” khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, những con số vẫn đang tăng lên từng ngày. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam liên tục thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong nhiều năm qua. Từ bên ngoài nhìn vào, hãng tin CNA của Singapore - một trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á nhận định, “Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á”. Trong nửa đầu năm 2024, không chỉ lọt vào danh sách 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, việc tập trung mạnh vào công nghệ và đổi mới đang giúp Hà Nội “trỗi dậy” trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghiệp bán dẫn.
Theo CNA, Việt Nam dường như đang nổi lên như một trung tâm công nghệ, thu hút đầu tư từ khắp thế giới. Không tự nhiên các tên tuổi hàng đầu trong làng công nghệ thế giới như Amazon, Meta, Samsung, Sumitomo… đều lần lượt xuất hiện và thiết lập các hoạt động tại Việt Nam. Bởi Việt Nam không chỉ có vị trí chiến lược, mà còn nổi bật bởi một lực lượng lao động lành nghề, đầy tiềm năng và quan trọng là một tầm nhìn chuyển đổi số quốc gia.
Như quan điểm của các nhà lãnh đạo đất nước đã chỉ rõ, con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại. Con đường để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình là đổi mới sáng tạo, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Điều đó đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định rõ tại các sự kiện đối ngoại nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ, mới đây: “Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới là tiền đề để dân tộc Việt Nam tin tưởng vào tương lai ở phía trước”.