Định vị thương hiệu cho bánh mì Việt
Các chuyên gia cho biết, bánh mì Việt đã và đang trên đường hội nhập, định vị thương hiệu, nên thúc đẩy hành trình phát triển sản phẩm này, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt.
Chiều 31/3, tại Hội thảo khoa học “Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam” do Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia cho biết, bánh mì Việt đã và đang trên đường hội nhập, định vị thương hiệu, nên thúc đẩy hành trình phát triển sản phẩm này, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt, nhất là phục vụ du lịch trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, hiện bánh mì Việt Nam đã trở thành món ăn nổi tiếng, được nhắc đến nhiều trên các tờ tạp chí ở trong và nước ngoài như một sự khẳng định cho ứng viên tiềm năng, tầm ảnh hưởng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Điển hình, CNN Travel gọi bánh mì là “Một món ăn đường phố khác của Việt Nam đã xuất khẩu thành công ra khắp nơi trên thế giới”.
Tạp chí Du lịch Fodor nổi tiếng của Mỹ đã bình chọn bánh mì Việt Nam là một trong 30 món sandwich trên thế giới mà người ta nhất định phải thử. Phó Giáo sư. Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng Ban đào tạo của Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, TasteAtlas - chuyên trang được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới” đã công bố danh sách 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, trong đó bánh mì của Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách này. Lonely Planet - một công ty chuyên mảng “Guide books” nổi tiếng nhất thế giới giới thiệu bánh mì trong quyển sách Những món ăn đường phố ngon nhất thế giới và đồng thời khẳng định “Nếu bạn chưa ăn bánh mì, xem như bạn vẫn chưa ăn gì ở Việt Nam”.
Còn ngược dòng lịch sử, bánh mì Việt Nam có hành trình hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, với những giá trị có thực của nó trong đời sống văn hóa ẩm thực dân tộc. Bên cạnh đó, bánh mì đã trở thành một món ăn quen thuộc không thể thiếu trong ẩm thực từ bình dân cho đến cao cấp của người Việt Nam.
Từ góc nhìn lịch sử, bánh mì đôi khi chỉ đơn thuần là món điểm tâm, song bằng cách nào đó, bánh mì lại trở thành nét tiêu biểu cho ẩm thực bình dân của người Việt, thật sự là một di sản văn hóa hiếm hoi từ thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại và không ngừng phát triển cho đến ngày hôm nay.
Bánh mì không chỉ là món ăn ngon, tiện dụng và đa dạng, thích hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp trong xã hội mà còn luôn “đậm đà” bản sắc riêng dân tộc, mà còn thể hiện tinh thần tiếp nhận văn hóa và sáng tạo vô cùng khéo léo của con người Việt.
Tiến sĩ Hồ Văn Tường, chuyên gia văn hóa chỉ ra rằng, từ bánh mì baguette của người Pháp, các thế hệ người Việt Nam đã sáng tạo nên món ăn bánh mì nổi tiếng khắp thế giới. Trước tiên có thể kể đến là sự sáng tạo ổ bánh mì có hình dáng gọn gàng hơn, thơm tho hơn và hợp túi tiền của người Việt Nam hơn bánh mì baguette trong công thức pha bột, tạo dáng và nướng bánh.
Tiếp theo, là sáng tạo vô số loại nhân bánh mì đáp ứng nhu cầu và sở thích ẩm thực đa dạng của khách hàng. Sau đó, là sự sáng tạo cách dùng món bánh mì vừa gọn gàng phù hợp với quỹ thời gian của nhiều thực khách, cũng như thưởng thức trọn vẹn món ngon bằng ngũ quan khá tuyệt vời. Như vậy, từ nước Pháp, bánh mì baguette đến Việt Nam, rồi sau đó quay trở lại thế giới với danh hiệu là một trong những món ngon của hành tinh, được ghi tên vào hai từ điển tiếng Anh danh giá của nước Anh và nước Mỹ, mang niềm tự hào về sự sáng tạo của người Việt Nam.
Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, bánh mì xuất hiện ở hầu hết các nơi ăn uống, từ những xe đẩy bán dạo đến quán nhỏ ven đường. Thậm chí, các nhà hàng sang trọng cũng đặt món ăn này lên đầu thực đơn. Để phát huy giá trị thương hiệu bánh mì Việt Nam trong phát triển du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số hiệp hội, tổ chức xúc tiến quản bá du lịch cho rằng, cần xây dựng những website về bánh mì tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng nhiều thứ tiếng để giới thiệu đến không chỉ người Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế.
Song song đó, đơn vị sản xuất kinh doanh phải chủ động tham gia công tác nghiên cứu cũng đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá bằng hình ảnh để đưa du khách đến gần hơn với món bánh mì phố tại Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía cơ quản quản lý, chú trọng đưa bánh mì đến gần hơn với kiều bào, du khách quốc tế thông qua chương trình du lịch và ẩm thực trên kênh truyền hình đối ngoại.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tiêu dùng sản phẩm ăn uống như món bánh mì trong thời gian đi du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, cần tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực này. Một số tour du lịch có thể sử dụng bánh mì là món ăn tiện lợi cho du khách để thay bữa ăn tại nhà hàng, giúp tiết kiệm thời gian và giúp du khách không mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu khi sử dụng dịch vụ.../.