Định vị lại hạt gạo Việt Nam trên bản đồ thế giới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, việc định vị lại giá trị hạt gạo Việt Nam, hướng đến chất lượng, giá trị và phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp thiết.
Ngày 4-4, tại TP Cần Thơ, Hội thảo "Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới" do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp và hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo.
Tại hội thảo, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mô hình này tập trung vào sản xuất theo chuỗi giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tăng trưởng mạnh về sản lượng và giá trị
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Nếu như trước đây Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo/năm thì năm 2022 đã tăng lên 7,5 triệu tấn và đến năm 2024 vượt mốc 9,18 triệu tấn, mang về doanh thu hơn 5,7 tỉ USD. Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo cũng có sự thay đổi tích cực khi tỉ lệ gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và sản phẩm chế biến gia tăng đáng kể.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)
Tính riêng quý I-2025, xuất khẩu gạo ước đạt hơn 2,25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mất thị trường Indonesia tạm thời, Việt Nam lại củng cố vững chắc các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi, Trung Đông và mở rộng sang châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thị trường
Theo định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình xuống dưới 10%, đồng thời tăng tỉ lệ gạo thơm, Japonica và gạo đặc sản lên khoảng 45%.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ cải tiến quy trình sản xuất mà còn chủ động nghiên cứu thị trường, bao bì, mẫu mã và yếu tố môi trường nhằm tiếp cận các phân khúc cao cấp hơn.

Các giống gạo, nếp đến từ Viện lúa ĐBSCL trưng bày tại hội thảo

Năm 2024 Việt Nam xuất khẩu gạo vượt mốc 9,18 triệu tấn, mang về doanh thu hơn 5,7 tỉ USD
Ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang rất năng động trong việc mở rộng thị trường và định vị lại giá trị hạt gạo. Việc đầu tư vào các thị trường ngách như Trung Đông, châu Phi, Mỹ, Pháp… cùng với thay đổi cách tiếp cận như dùng bao bì nhỏ, thân thiện với môi trường là những bước đi đáng khích lệ.
Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp cũng là một thông điệp mạnh mẽ khẳng định cam kết của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Đây là lợi thế cạnh tranh không nhỏ khi đàm phán mở cửa thị trường và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Dù đạt nhiều thành tựu, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức. Ông Đỗ Hà Nam cho biết doanh nghiệp đang gặp khó về tài chính, hoàn thuế VAT, cơ sở hạ tầng logistics và tín dụng.
Từ đó, VFA kiến nghị các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển giống lúa chất lượng cao; Ngân hàng Nhà nước xem xét chính sách cho vay không cần tài sản đảm bảo; Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về hoàn thuế VAT; Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường; Bộ Xây dựng đẩy nhanh đầu tư hạ tầng như cảng Cái Cui, kênh Quan Chánh Bố; chính quyền địa phương quy hoạch vùng chuyên canh, thu hút đầu tư vào chế biến sâu.
Từ giống lúa đến câu chuyện thương hiệu
Nếu 50 năm trước Việt Nam chỉ sản xuất 5 triệu tấn lúa thì hiện nay đã đạt 25 triệu tấn, tăng gấp 5 lần. Đằng sau thành quả đó là công lao của các nhà nghiên cứu giống, nhà khoa học và nông dân. Viện lúa ĐBSCL không chỉ tập trung vào năng suất mà còn hướng tới phẩm chất gạo phục vụ xuất khẩu và thị trường nội địa như gạo thơm, gạo Nhật, gạo chỉ số đường huyết thấp…
Tuy nhiên, giống lúa dù tốt đến đâu vẫn cần phù hợp với vùng đất và mùa vụ. Do đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu gắn với từng loại giống là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao uy tín gạo Việt trên thị trường quốc tế.
TS. Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL
TS. Trần Hữu Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ và marketing trong phát triển thương hiệu gạo. Theo ông, Việt Nam cần phát triển thương hiệu không chỉ ở cấp doanh nghiệp mà còn ở cấp vùng miền và quốc gia.
“Chúng ta không chỉ bán hạt gạo mà bán cả câu chuyện về hạt gạo – một sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa, truyền thống, gắn với môi trường và sức khỏe cộng đồng” - ông Hiệp nói.

TS. Trần Hữu Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chia sẻ tại hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, trang Việt Nam Đầu tư công bố đề án Nông dân số.
Đổi mới từ người nông dân
Theo TS. Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp không chỉ là sáng kiến về công nghệ mà còn là thay đổi cách tiếp cận: nhìn hạt gạo từ góc độ người nông dân. Giống tốt, kỹ thuật có, thị trường có, doanh nghiệp có… nhưng nếu người nông dân không thay đổi tư duy thì cả hệ sinh thái sẽ bị đứt đoạn. Đề án nhắm đến việc đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó tạo ra giá trị thực chất cho ngành lúa gạo Việt Nam.