Định vị lại để sớm thích ứng

Thanh Hóa hiện có 304 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất.

Năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Thanh Hóa sang thị trường này đạt tới 755 triệu USD, với nhiều mặt hàng chủ lực như may mặc, giày da, máy vi tính, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, thép... Quý 1/2025 giá trị xuất khẩu của Thanh Hóa đạt 1,461 tỷ USD, trong đó hàng hóa cung cấp vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục ổn định, có một số mặt hàng tăng mạnh.

Theo đánh giá của ngành công thương, thị trường Hoa Kỳ vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để doanh nghiệp Thanh Hóa khai thác với các ngành hàng nông, lâm, thủy sản mà tỉnh có lợi thế. Tuy nhiên một rào cản thương mại vừa được thiết lập, khi Hoa Kỳ đưa ra mức áp thuế đối ứng mới với hàng hóa đến từ Việt Nam lên mức 46%, thuộc hàng cao nhất trong số quốc gia bị Hoa Kỳ áp thuế đối ứng. Mức thuế áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 đến 20%, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường này. Trong danh mục hàng hóa bị áp mức thuế đối ứng mới, nhiều mặt hàng là thế mạnh của doanh nghiệp ở Thanh Hóa.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để thảo luận các giải pháp ứng phó với tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; dịp để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng...

Cú sốc thuế đối ứng do Hoa Kỳ áp đặt dù gây khó khăn trước mắt cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, nhưng cũng lại là dịp để doanh nghiệp Việt, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu ở Thanh Hóa định vị, tái cấu trúc lại ngành hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.

Hiện Việt Nam đang được hưởng ưu đãi thuế quan rất tốt ở các thị trường EU, châu Á, Canada, Australia và Trung Đông. Trong đó, thị trường Canada, Anh và Australia đang nổi lên nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), giúp hàng hóa Việt Nam gần như được miễn thuế nhập khẩu. Theo lộ trình cam kết, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, doanh nghiệp cũng cần phải có chiến lược sản xuất phù hợp hướng vào thị trường nội địa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn hơn, tiêu dùng khắt khe hơn của người tiêu dùng trong nước. Nhất là phải cải tiến nhằm giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm khác biệt để tăng sức cạnh tranh. Nguyên lý kinh doanh là không quá lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào, nếu gặp rủi ro ở thị trường này thì ngay lập tức chúng ta có thị trường khác để chuyển hướng, thay thế.

Trong cái khó thường ló cái khôn. Chuyện đời xưa nay vẫn vậy, miễn là người trong cuộc có tinh thần quyết tâm đổi mới sáng tạo, sớm thích ứng trong lúc chờ đợi những đàm phán song phương nhằm tháo gỡ rào cản.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dinh-vi-lai-de-som-thich-ung-244738.htm
Zalo