Định vị hàng hóa xứ Thanh trên thị trường (Bài 1): Tiếp cận công nghệ, đa dạng sản phẩm
Tỉnh Thanh Hóa được xác định có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, dân số và nhiều sản phẩm đặc trưng, lợi thế... để phát triển theo quy mô hàng hóa. Cùng với đó, những năm qua, tỉnh đã vận dụng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm chất lượng cao, khả năng tiếp cận thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất chính là 'đòn bẩy' góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế của hàng hóa xứ Thanh trên thị trường trong nước và từng bước vươn tầm quốc tế.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp, hàng nghìn sản phẩm công nghiệp (CN), tiểu thủ CN được trao đổi hàng hóa trên thị trường, mang lại doanh thu, lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên, sự lạc hậu trong phương thức sản xuất chính là một trong những rào cản khiến sản phẩm chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã chủ động ứng dụng công nghệ sản xuất nhằm mục tiêu phát triển bền vững trên thị trường.
Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia (Hoằng Hóa) là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng thành công khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nước mắm truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh. Với những sản phẩm nổi tiếng, được chứng nhận chất lượng trên thị trường, như: mắm tôm, mắm tép, nước mắm Lê Gia, gia vị thực phẩm... Mới đây, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư thiết bị, Nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia. Trong đó, công ty đã áp dụng các công nghệ tận dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường, hệ thống xử lý không khí theo công nghệ lọc tĩnh điện, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo QCVN11-MT:2015/BTNMT; hệ thống phòng sạch được thiết kế theo tiêu chuẩn EN 779, tấm lọc G4 với quy trình công nghệ kiểm soát chất lượng chuẩn ISO 22000:2018 và chứng nhận FDA (tiêu chuẩn vào thị trường Hoa Kỳ). Từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước mà đủ tầm để vượt qua rào cản kỹ thuật quốc tế, đưa sản phẩm có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Anh Lê Anh, Giám đốc công ty, cho biết: Câu nói nổi tiếng “sản phẩm tốt không thể sản xuất ở một nơi lạc hậu” chính là kim chỉ nam để chúng tôi đầu tư, phát triển. Do đó, công ty đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, xem đây là chìa khóa quan trọng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhờ công nghệ tiên tiến, hiện đại, chúng tôi đã có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập. Các sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị: Winmart, Winmart+, Aeon, BigC/Top Market/Go, Co.op Mart, MM Mega market ... và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Ngoài ra, các sản phẩm mang thương hiệu Lê Gia đã có mặt tại các thị trường: Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Nam Phi, Panama, Australia, Singapore...
Tỉnh Thanh Hóa có Khu Kinh tế Nghi Sơn, 8 khu CN đã có trong quy hoạch với tổng diện tích hơn 2.000ha và 45 cụm CN đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, dự án lớn góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Để duy trì phát triển bền vững, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiện tỉnh đang từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CN, hiện đại, tăng nhanh giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, thêm cơ hội để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 32 doanh nghiệp Khoa học và công nghệ, đứng thứ 3 cả nước về số lượng, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: sản xuất công - nông nghiệp, thiết bị - vật tư y tế, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin.... Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong tỉnh không chỉ tiên phong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào quản lý vận hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt mà còn từng bước tạo ra những sản phẩm chất lượng, chinh phục thị trường, người tiêu dùng.
Là đơn vị dẫn đầu trong danh sách doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã phát triển được hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia với số hiệu VILAS 849 và 19 nhân sự hoạt động chuyên môn trong công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ. Hằng năm, công ty đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao và đã áp dụng, triển khai vào sản xuất, đem lại lợi ích cho cả DN và người tiêu dùng. Ông Nguyễn Trung Trụ, Giám đốc Trung tâm chăm sóc, phục vụ nông dân Việt Nam (thuộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông), cho biết: “Hàng năm, thông qua Trung tâm nghiên cứu Phát triển khoa học và Công nghệ, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã chú trọng cải tiến các sản phẩm hiện có nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng và nghiên cứu ra nhiều sản phẩm mới. Đến nay, Tiến Nông đã có nhiều bộ sản phẩm thương mại chuyên dùng cho mía, lúa, cà phê... cung cấp hàng triệu sản phẩm cho nông dân sử dụng với cam kết chất lượng, năng suất, hiệu quả canh tác trên các cánh đồng”.
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, đầu tư công nghệ như Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương về hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị cho doanh nghiệp, tạo nền tảng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường.
Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu hàng hóa những năm gần đây của tỉnh đều đạt ở ngưỡng 4,5 - 5 tỷ USD. Trong đó, có 23 sản phẩm OCOP, 18 sản phẩm công nghiệp và một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: tinh bột sắn, chả cá surimi, bột cá, dăm gỗ xuất khẩu, rau củ quả đóng hộp... Ngoài ra, hằng năm, trên địa bàn tỉnh đều có từ 5 - 10 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, ở các nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, công mỹ nghệ và các sản phẩm khác.
Giai đoạn 2021-2030, chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đề ra mục tiêu số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tăng từ 10 - 15%/năm. Do đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp duy trì và nâng tầm sản phẩm, đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế để ngày càng nhiều sản phẩm mang thương hiệu xứ Thanh phát triển bền vững, hiệu quả, chinh phục thị trường xuất khẩu.