Làm sản phẩm phụ trợ cho ngành gỗ
Ngành gỗ chiếm vị trí khá quan trọng trong các ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt với khu vực được coi là 'thủ phủ' sản xuất, xuất khẩu gỗ Đông Nam Bộ. Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến gỗ cũng kéo theo các dịch vụ hỗ trợ cho ngành phát triển từ cung ứng nguyên liệu, bao bì đóng gói, máy móc sản xuất, sản phẩm phụ trợ khác...
Các DN mong muốn có được nhiều hơn sự kết nối, tận dụng lợi thế của nhau, đưa sản phẩm của đơn vị này trở thành đầu vào của đơn vị khác để gia tăng tính cạnh tranh và năng lực sản xuất nói chung.
Cơ hội cung ứng các dịch vụ cho sản xuất gỗ
Công ty TNHH Bao bì Nhất Tín An là DN sản xuất các loại bao bì carton, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Công ty này cung ứng nhiều chủng loại, mẫu mã bao bì giấy carton cho các DN sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc công ty, chia sẻ nhận thấy nhu cầu từ các đơn vị sản xuất gỗ đối với bao bì carton để đóng gói sản phẩm xuất khẩu nên đã chuẩn bị điều kiện và thành lập nhà máy sản xuất. Ban đầu, khách hàng chủ yếu của công ty là các DN sản xuất gỗ ở Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... Sau đó, công ty mở rộng dần ra thị trường nước ngoài và hiện 20% sản phẩm sản xuất ra được công ty xuất khẩu trực tiếp sang Canada cho một DN chế biến gỗ.
Điểm nghẽn hiện nay là ngành cơ khí chế tạo máy móc, phụ tùng và công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển nên DN khó khăn trong lựa chọn dây chuyền công nghệ để đầu tư nâng cao năng lực của mình.
Trong lĩnh vực ngũ kim, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp DXD Việt Nam (thành phố Biên Hòa) Dương Hải Đăng cho hay, DN có hơn 10 năm kinh nghiệm phục vụ khách hàng trong ngành ngũ kim, chuyên sản xuất và cung cấp linh kiện ngũ kim như: bản lề, ốc vít, cấu kiện kim khí phục vụ cho ngành gỗ, cơ khí. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã nỗ lực đầu tư hệ thống máy móc quy chuẩn. Việc đề ra các tiêu chí khắt khe từng chi tiết nhỏ trong quá trình thiết kế mẫu cũng như gia công sản xuất sản phẩm đã giúp cho DN dần có được sự tin tưởng của khách hàng. Hiện tại, các sản phẩm ngũ kim của công ty được cung ứng chủ yếu cho 2 trung tâm chế biến, sản xuất gỗ lớn nhất cả nước là Bình Dương và Đồng Nai.
Tương tự, việc cung ứng máy móc cho sản xuất công nghiệp gỗ cũng rất quan trọng. Công ty TNHH TMDV XNK Jaguar (chi nhánh Long Thành) là đơn vị chuyên cung ứng máy nén khí. Máy nén khí không chỉ giúp vận hành các trung tâm gia công một cách hiệu quả, mà còn đảm bảo tính chính xác và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, máy nén khí còn được ứng dụng rộng rãi trong các quy trình phun sơn, làm sạch bề mặt và nhiều công đoạn khác, góp phần nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí.
Ông Hoàng Tiến Dũng, đại diện công ty, nhận định sản xuất gỗ là một trong những ngành có quy mô lớn nên nhu cầu về máy nén khí cũng tăng cao. Bên cạnh đó, rất nhiều ngành nghề khác cũng cần đến máy móc này và đó là cơ hội để công ty đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm thương hiệu Jaguar ra thị trường.
Kết nối để cùng thắng
Cũng như các lĩnh vực khác, thị trường bao bì có phát triển nhưng việc tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn này còn nhiều khó khăn.
Với lĩnh vực bao bì, bà Nguyễn Huyền Trang cho hay, thị trường thu hẹp nhưng có nhiều đơn vị cung ứng nên tính cạnh tranh lại càng cao. DN buộc phải cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá cả, nhưng cạnh tranh về giá chỉ ở một mức độ nhất định. Chi phí sản xuất, nguyên liệu đầu vào ngày một tăng nên giai đoạn này hầu như sản xuất lợi nhuận thu lại không cao, nhưng DN buộc phải duy trì hoạt động vừa để giữ việc làm cho người lao động, vừa giữ mối bạn hàng, chờ thị trường hồi phục.
Cũng theo bà Trang, là DN địa phương nên thời gian tới Nhất Tín An mong muốn hợp tác với nhiều đối tác ngành gỗ trong tỉnh để đa dạng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng Nai có ngành sản xuất gỗ sôi động và các lĩnh vực sản xuất khác cũng có nhu cầu về bao bì đóng gói. Việc hợp tác với DN địa phương cũng góp phần tạo dựng nên thương hiệu của nhà sản xuất Việt Nam, nâng cao độ nhận diện thương hiệu.
Là thành viên mới của Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), ông Hoàng Tiến Dũng mong muốn được kết nối nhiều hơn với các DN trong ngành. Theo đó, công ty sẵn sàng hợp tác, tham gia với hiệp hội trong các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động khác trong ngành. Trên cơ sở đó kết nối, tìm kiếm mối quan hệ với đối tác để cùng tạo ra cơ hội cho nhau.
Chánh Văn phòng Dowa Nguyễn Thị Thu Hoài cho hay, để xây dựng cộng đồng ngành gỗ của địa phương, Dowa sẽ nỗ lực liên kết, mở rộng quy mô hiệp hội, kết nạp thêm các hội viên mới. Ngành gỗ Đồng Nai đang nỗ lực để xây dựng hệ sinh thái sản xuất, từ cung ứng nguyên liệu, cưa xẻ, chế biến, thương mại hóa cũng như kết nối các DN công nghiệp hỗ trợ, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng doanh số tiêu thụ nội địa, xuất khẩu của ngành nói chung và từng DN nói riêng.