Định nghĩa 'tiêm chủng đầy đủ' đang thay đổi

Khi định nghĩa 'tiêm chủng đầy đủ' thay đổi, mỗi người có thể cần đến 3 mũi vaccine COVID-19 mới được coi là đã tiêm chủng đầy đủ.

Các mũi tiêm nhắc lại dành cho một số người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm vaccine Pfizer có tên là Comirnaty. Ảnh: Getty Images

Các mũi tiêm nhắc lại dành cho một số người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm vaccine Pfizer có tên là Comirnaty. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN (Mỹ), khả năng miễn dịch nhờ vaccine suy giảm và các ca nhiễm gia tăng do biến thể Delta đã khiến các quốc gia giàu có phải xem xét lại định nghĩa “tiêm chủng đầy đủ”, thường được sử dụng cho những người đã hoàn thành 2 mũi vaccine COVID-19.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thừa nhận điều này vào hôm 15/11. Ông nhấn mạnh mũi vaccine tăng cường rất quan trọng để ngăn chặn việc phải tái áp đặt các hạn chế COVID-19.

“Rõ ràng rằng việc được tiêm ba mũi vaccine sẽ trở thành một thực tế quan trọng và nó sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn bằng mọi cách,” ông Johnson nói trong một cuộc họp báo.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia khác cũng đang hướng tới mục tiêu tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân. Vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo từ ngày 15/12, mọi công dân trên 65 tuổi sẽ cần tiêm mũi vaccine thứ 3 để xác nhận lại thẻ tiêm chủng của mình. Ở Áo, tình trạng tiêm chủng đầy đủ sẽ hết hiệu lực sau 9 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 2, buộc người dân phải tiêm liều tăng cường. Ở Israel, sau 6 tháng kể từ khi được tiêm mũi vaccine thứ 2, người dân sẽ cần mũi thứ 3 để đủ điều kiện nhận thẻ xanh, để được phép vào các phòng tập thể dục, nhà hàng và các địa điểm khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế toàn cầu lo ngại rằng việc phụ thuộc vào mũi vaccine tăng cường đang ảnh hưởng đến tốc độ phân phối mũi vaccine đầu tiên ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi mới có 4,6% dân số đã được tiêm chủng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi đây là “một vụ bê bối” khi số lượng liều vaccine nhắc lại được cung cấp trên khắp thế giới hàng ngày nhiều gấp 6 lần so với mũi vaccine chính ở các nước thu nhập thấp.

“Không có ý nghĩa gì nếu tiêm vaccine tăng cường cho người lớn khỏe mạnh hoặc tiêm chủng cho trẻ em, khi các nhân viên y tế, người lớn tuổi và các nhóm nguy cơ cao khác trên thế giới vẫn đang chờ đợi mũi vaccine đầu tiên của họ”, ông cảnh báo.

Bà Mary Lou Russler được tiêm vaccine COVID-19 trong một sự kiện tiêm chủng cộng đồng ở Martinsburg, Tây Virginia, Mỹ hôm 11/3. Ảnh: Reuters

Bà Mary Lou Russler được tiêm vaccine COVID-19 trong một sự kiện tiêm chủng cộng đồng ở Martinsburg, Tây Virginia, Mỹ hôm 11/3. Ảnh: Reuters

Bà Anna Marriott, cố vấn chính sách y tế của Oxfam, cho rằng việc cung cấp vaccine đang được ưu tiên cho các quốc gia giàu có đã đẩy họ lên vị trí tiêm chủng hàng đầu bởi đã trả giá cao hơn cho các công ty dược phẩm. Bà nói thêm: “Nếu chúng ta quan sát tổng thể các quốc gia có thu nhập thấp, thì chưa đến 1% tổng nguồn cung vaccine được chuyển đến các quốc gia nghèo nhất này, trong số đó có châu Phi”.

Tiến sĩ David Nabarro, đặc phái viên của WHO về COVID-19, nhận định rằng việc tiêm mũi vaccine tăng cường cũng là một canh bạc đối với các quốc gia giàu có. Ông nói “việc tiêm mũi tăng cường chưa từng được thực hiện trước đây. Nó thực sự là một chiến lược y tế công cộng không phù hợp”.

Ông Nabarro cảnh báo khi còn rất nhiều điều về loại virus này chưa được tìm hiểu, việc sử dụng vaccine làm vũ khí chính để chống lại COVID-19 có nguy cơ tạo ra các biến thể mới. Ông cho rằng ngoài vaccine, chúng ta cần áp dụng “phương pháp tiếp cận kết hợp” giữa khẩu trang và các biện pháp y tế khác, để tránh lây nhiễm mầm bệnh.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dinh-nghia-tiem-chung-day-du-dang-thay-doi-20211118075959537.htm
Zalo