Định hướng Gia Lộc là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của Hải Dương với các tỉnh lân cận
Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Gia Lộc xác định địa phương này sẽ là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương với các tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương sáng 21/11, Sở Xây dựng báo cáo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2).
Theo đó, ranh giới nghiên cứu quy hoạch vùng huyện Gia Lộc được xác định trên toàn bộ địa giới hành chính huyện gồm 1 thị trấn và 17 xã. Phía bắc giáp TP Hải Dương, huyện Cẩm Giàng; phía nam giáp các huyện Thanh Miện, Ninh Giang; phía đông giáp huyện Gia Lộc; phía tây giáp các huyện Bình Giang, Thanh Miện.
Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 9.971 ha (giữ nguyên theo quy hoạch đã phê duyệt). Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 176.000 người (tăng 18.700 người so với quy hoạch trước đã phê duyệt); đến năm 2050 khoảng 195.000 người (tăng 4.000 người so với quy hoạch đã phê duyệt).
Quy hoạch xác định Gia Lộc là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm; vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp, làng nghề, chế biến nông sản thực phẩm. Địa phương này cũng sẽ là cửa ngõ phía nam của TP Hải Dương, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương với TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, hành lang phát triển dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các quốc lộ 37 và 38B.
Giai đoạn đến năm 2030, điều chỉnh định hướng phát triển hệ thống đô thị giảm từ 10 đô thị còn 3 đô thị để phù hợp quy hoạch tỉnh. Trong đó, nâng cấp đô thị Gia Lộc lên loại IV. Định hướng quy hoạch, phân loại đô thị theo tiêu chí đô thị loại V cho 2 xã Yết Kiêu, Quang Đức (sáp nhập xã Quang Minh và xã Đức Xương). Giảm 7 đơn vị hành chính không định hướng quy hoạch theo tiêu chí đô thị loại V so với quy hoạch đã phê duyệt, gồm: Hồng Hưng, Gia Khánh, Gia Tân, Thống Nhất, Hoàng Diệu, Toàn Thắng, Đoàn Thượng.
Điều chỉnh quy hoạch Trường THPT Gia Lộc 2 ra vị trí mới nằm ở phía đông đường tránh quốc lộ 37, quy mô khoảng 5 ha (do hiện trạng dự kiến có đường sắt cao tốc chạy qua); mở rộng Trường THPT Đoàn Thượng theo nhu cầu phát triển.
UBND tỉnh cơ bản thống nhất Đồ án Điều chỉnh xây dựng vùng huyện Gia Lộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị các sở ngành liên quan, đặc biệt Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp tiếp thu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Quy hoạch vùng huyện Gia Lộc phải xác định đây là cửa ngõ của tỉnh, có tính chất, quy mô phù hợp, bảo đảm cảnh quan khu vực cửa ngõ tạo được ấn tượng. Hạ tầng giao thông kết nối phải đồng bộ, hiệu quả trong trước mắt và lâu dài.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản chủ trì chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Gia Lộc hoàn thiện đồ án điều chỉnh trên.
Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 11 (lần 4) cũng xem xét báo cáo đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Miện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); các báo cáo đề nghị trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động của Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Nghị quyết quy định chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Nghị quyết quy định nội dung, mức chi bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương.