Định Hóa (Thái Nguyên): Hiệu quả từ Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Huyện Định Hóa (Thái Nguyên) là một huyện miền núi với hơn 107.000 dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 73,6%. Giai đoạn 2021 - 2023, huyện có 3 xã thuộc khu vực III và 42 xóm đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) đã từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc.
Theo Báo cáo của UBND huyện Định Hóa về tình hình triển khai thực hiện Chương trình năm 2024, huyện Định Hóa được phân bổ tổng cộng 59.847,9 triệu đồng để thực hiện Chương trình. Trong đó, vốn đầu tư phát triển chiếm 47.045 triệu đồng, bao gồm 40.890 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, 4.110 triệu đồng từ ngân sách tỉnh và 2.045 triệu đồng từ ngân sách huyện. Vốn sự nghiệp được giao là 7.099 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương đóng góp 6.160 triệu đồng, ngân sách tỉnh 625 triệu đồng và ngân sách huyện 314 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn vốn chuyển từ năm 2023 sang năm 2024 là 5.703,9 triệu đồng, bao gồm 5.428,9 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 275 triệu đồng từ ngân sách tỉnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, huyện đã giải ngân được 13.915,3 triệu đồng, bao gồm 8.115,4 triệu đồng vốn đầu tư phát triển (trong đó 6.281,2 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 1.874,2 triệu đồng từ ngân sách địa phương). Vốn sự nghiệp được giải ngân 1.315,6 triệu đồng (1.204,5 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 111,1 triệu đồng từ ngân sách địa phương). Ngoài ra, vốn chuyển từ năm 2023 sang năm 2024 đã giải ngân được 4.434,3 triệu đồng, bao gồm 4.171,6 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và 262,7 triệu đồng từ ngân sách địa phương.
Về kết quả thực hiện Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình trên địa bàn huyện. Công tác rà soát đối tượng thụ hưởng và tổng hợp nhu cầu đầu tư, hỗ trợ thuộc Dự án 1 trên địa bàn huyện Định Hóa đã được triển khai theo đúng các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn từ Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ngành. Trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện đã xác định nhu cầu hỗ trợ cho 52 hộ về đất ở, 317 hộ về nhà ở, 268 hộ về đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Ngoài ra, có 1.060 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và 9 công trình nước sinh hoạt tập trung được đề xuất đầu tư.
Tổng kế hoạch vốn thực hiện Dự án 1 trong năm 2022 và 2023 là 23.229 triệu đồng, bao gồm 20.128 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, 2.066 triệu đồng từ ngân sách tỉnh và 1.035 triệu đồng từ ngân sách huyện. Trong hai năm này, huyện đã giải ngân 15.112,99 triệu đồng, trong đó 13.368 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, 1.160,75 triệu đồng từ ngân sách tỉnh và 584,24 triệu đồng từ ngân sách huyện.
Về hỗ trợ đất ở, trong năm 2022 và 2023, huyện chưa thực hiện được do thiếu quy định cụ thể về định mức và cơ chế hỗ trợ từ Trung ương. Đến cuối năm 2023, UBND huyện đã tiến hành rà soát, tổng hợp đối tượng và nhu cầu.
Hỗ trợ nhà ở trong giai đoạn này chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ các nhà tài trợ, giúp xây dựng 1.029 căn nhà. Ngoài ra, theo Nghị định 28/NĐ-CP, huyện đã hỗ trợ 359 hộ vay vốn ưu đãi để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 14.360 triệu đồng.
Cùng đó, huyện đã đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã Bảo Linh, Quy Kỳ, Lam Vỹ, Linh Thông, Điềm Mặc, Phú Tiến, Sơn Phú và Phú Đình, phục vụ nhu cầu của 1.208 hộ dân, với tổng kinh phí 12.727,2 triệu đồng. Ngoài ra, 916 hộ nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt đã được hỗ trợ các giải pháp như mua téc nước, đào giếng, xây bể và mua ống dẫn nước, với tổng kinh phí 2.403,7 triệu đồng.
Trong năm 2024, huyện Định Hóa đã cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ thuộc Dự án 1. Đối với hỗ trợ đất ở, huyện đã xác định 19 hộ có nhu cầu. Hiện tại, UBND huyện đang kiểm tra, xác minh hiện trạng đất ở và thẩm định đối tượng. Nếu đủ điều kiện, các hộ sẽ được hỗ trợ theo hình thức xen ghép hoặc chuyển nhượng đất để đáp ứng nhu cầu.
Về hỗ trợ nhà ở, các hộ có nhu cầu xây mới nhà ở không được bố trí kinh phí từ Chương trình, nhưng UBND huyện đã rà soát 28 hộ cần hỗ trợ và chuyển sang hưởng lợi từ Chương trình của mục tiêu quốc gia huyện và mục tiêu quốc gia tỉnh.
Đối với đất sản xuất và chuyển đổi nghề, qua rà soát, có 36 hộ được xác định có nhu cầu. UBND huyện đang tiến hành kiểm tra, xác minh hiện trạng sử dụng đất và thẩm định đối tượng để triển khai hỗ trợ cho các hộ đủ điều kiện.
Về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, huyện đã phê duyệt danh sách 61 hộ nhận hỗ trợ, các đơn vị và xã đang lập hồ sơ dự án chi tiết để thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, trong năm 2024, huyện tiếp tục bố trí vốn cho hai công trình nước sinh hoạt tập trung chuyển tiếp từ năm 2023 để hoàn thành, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng.
Kế hoạch kinh phí thực hiện Dự án 1 năm 2024 được phân bổ tổng cộng 5.117 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương là 4.622 triệu đồng, và vốn sự nghiệp chuyển nguồn từ năm 2023 là 555 triệu đồng. Tính đến nay, huyện đã giải ngân được 325,2 triệu đồng cho hai công trình nước sinh hoạt tập trung từ nguồn vốn đầu tư. Vốn sự nghiệp dự kiến sẽ được giải ngân trong quý IV/2024, sau khi hoàn tất hồ sơ dự án chi tiết theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS và miền núi ở huyện Định Hóa vẫn còn những khó khăn. Đa số đồng bào DTTS sống rải rác tại các vùng sâu, vùng xa hoặc khu vực đã được quy hoạch rừng sản xuất, phòng hộ và đặc dụng, dẫn đến khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo quy hoạch sử dụng đất và thực hiện các chính sách hỗ trợ. Một số hộ dân có nhà trên đất không hợp pháp hoặc sử dụng đất sai mục đích cũng chưa thể đáp ứng các điều kiện để áp dụng chính sách đặc thù.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện Chương trình bảo đảm đúng tiến độ, đúng quy định. Đồng thời, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn nắm bắt kịp thời về quan điểm, chủ trương đầu tư, hỗ trợ, thực hiện các các nội dung của Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, giám sát; đánh giá, tổng kết kịp thời về công tác lãnh đạo, quản lý điều hành và công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, trên cơ sở đó tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện...