Định hình lại chiến lược phát triển Trung tâm tài chính quốc tế
Tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Một điểm mới đáng chú ý là Chính phủ đề xuất mô hình 'một trung tâm - hai địa điểm' thay cho phương án thành lập hai trung tâm trước đó.

Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được triển khai tạI TPHCM và thành phố Đà Nẵng. Ảnh: LÊ VŨ
Một trung tâm đặt tại hai thành phố
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, khi ra nước ngoài làm việc, nhiều đối tác quốc tế “ngỡ ngàng” về việc Việt Nam dự định thành lập hai trung tâm tài chính quốc tế. Bởi, ngay cả những nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc cũng chỉ có một trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Thượng Hải, khu vực ASEAN cũng chỉ có Singapore là trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu. Trong khi đó, Việt Nam với quy mô nền kinh tế hiện ở mức khoảng 500 tỉ đô la Mỹ, nếu xây dựng hai trung tâm tài chính quốc tế cùng lúc, sẽ khó đạt hiệu quả kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế về tài chính đang rất gay gắt.
Từ đó, Chính phủ đã bàn và thống nhất định hướng chỉ có một trung tâm tài chính quốc tế, nhưng được triển khai tại hai địa điểm là TPHCM và thành phố Đà Nẵng. Hai địa phương này sẽ hoạt động theo các định hướng khác nhau, nằm trong khuôn khổ chung của một hành lang pháp lý thống nhất - chính là nghị quyết của Quốc hội đang được thảo luận. Cách tiếp cận này sẽ giúp hai địa phương bổ trợ lẫn nhau, tránh xung đột, cùng phát triển bền vững.
Thế giới hiện có 121 trung tâm tài chính, trong số đó chỉ có dưới 10 trung tâm được đánh giá là thành công đúng nghĩa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết. Điều này có nghĩa “để có được một trung tâm tài chính thành công đúng nghĩa thì vô cùng khó, vô cùng thách thức” trong khi “chúng ta lại đi sau, thậm chí rất sau” trong lĩnh vực này.
Xét cho cùng, điều quan trọng nhất không phải là số lượng trung tâm, mà là năng lực thực sự của trung tâm đó trong việc thu hút dòng vốn quốc tế, cung cấp dịch vụ chất lượng cao và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trước đây, Chính phủ trình Bộ Chính trị phương án thành lập hai trung tâm tài chính. Tuy nhiên, sau quá trình khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thực tiễn trong nước, Chính phủ nhận thấy việc triển khai đồng thời hai trung tâm sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn và có nguy cơ không đạt được hiệu quả như mong muốn. “Nếu có thể xây dựng thành công một trung tâm tài chính quốc tế thì rất quý, và sau này có thể nhân rộng mô hình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Tuy nhiên, phương án “một trung tâm - hai địa điểm” chưa phù hợp với Kết luận 47-TB/TW của Bộ Chính trị, trong đó nêu: “Thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng”. Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này.
Phân định rõ chức năng dựa trên lợi thế
Theo Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và thành phố Đà Nẵng sẽ phát triển hài hòa, phân công chức năng rõ rệt dựa trên lợi thế từng thành phố và vùng, đồng thời liên kết chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông...
Để tận dụng lợi thế múi giờ, vị trí địa lý của Việt Nam, đón dòng vốn dịch chuyển, tránh trùng lặp chức năng với Singapore hay Hồng Kông, TPHCM có thể tập trung phát triển thị trường vốn và ngân hàng quốc tế, công nghệ tài chính (FinTech), dịch vụ tài chính chuỗi cung ứng khu vực, tài chính xanh... Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng có thể định hướng vào các dịch vụ tài chính xanh, tài chính offshore, FinTech, kiều hối và quản lý quỹ khu vực gắn với khu thương mại tự do.
Tuy nhiên, “phân định này chỉ là tương đối, còn quyền lựa chọn thuộc về nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết hiện đã có nhà đầu tư quan tâm và trong thời gian tới sẽ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với thành phố. Dự kiến, từ ngày 22 đến 24-4-2025 sẽ có bảy nhà đầu tư tham gia và ký MOU với Đà Nẵng. Trong đó, có những nhà đầu tư sẽ cam kết rót vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng, thành lập các chi nhánh, sàn giao dịch hoặc quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam dự kiến được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5 sắp tới. Do đây là vấn đề mới ở Việt Nam, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc và những nội dung đã rõ, mang tính ổn định cao; Chính phủ, Thủ tướng theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở để đề xuất mô hình mới khác với Kết luận 47-TB/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, làm rõ mô hình, mối quan hệ, tính độc lập giữa hai “cơ sở” TPHCM và thành phố Đà Nẵng cũng như cơ quan quản lý nhà nước đối với hai “cơ sở” này. Căn cứ vào đặc điểm riêng biệt của mỗi thành phố, tại Nghị quyết của Quốc hội có thể quy định chính sách chung, nhưng tại các văn bản dưới luật cần có quy định tương ứng để phát huy tiềm năng, thế mạnh riêng biệt của mỗi “cơ sở”. Cùng với đó, cần có quy định về cơ chế phối hợp để mang lại hiệu quả tổng thể và trong tổ chức thực hiện, cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.
Việc Chính phủ đề xuất phương án mới về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là điều bình thường trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt khi có thêm các phân tích, đánh giá kỹ lưỡng từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế. Trong quy hoạch phát triển, việc điều chỉnh chiến lược là điều tất yếu nếu nhắm đến mục tiêu cuối cùng là hiệu quả và bền vững. Xét cho cùng, điều quan trọng nhất không phải là số lượng trung tâm, mà là năng lực thực sự của trung tâm đó trong việc thu hút dòng vốn quốc tế, cung cấp dịch vụ chất lượng cao và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Sau khi đã thống nhất được mô hình, muốn có được một Trung tâm tài chính quốc tế thực sự thành công, thì phải tiếp tục trả lời thật thấu đáo các câu hỏi: Các nhóm chính sách đang thiết kế hiện nay đã đủ tiền đề để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế hay chưa? Các quy định đã đủ sức nặng, sức hấp dẫn, bảo đảm tính cạnh tranh? Cần làm rõ đâu là những chính sách được coi là vượt trội, khác biệt riêng có của Việt Nam...
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn toàn cầu ngày càng gay gắt, mỗi quyết định chiến lược đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Và thành công sẽ đến từ cách chúng ta hiện thực hóa kỳ vọng thông qua khung chính sách đột phá, không rập khuôn; tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để chọn lựa những kinh nghiệm thành công, tránh được những thất bại, tạo thế cạnh tranh quốc tế.