Điều trị gãy xương ở người lớn tuổi

Những người từ 60 tuổi trở lên thường có khả năng bị loãng xương và nếu chẳng may bị té ngã sẽ dẫn đến đau nhiều, khả năng gãy xương cao, đặc biệt là gãy cổ xương đùi hoặc vùng xương xung quanh hông.

Một bệnh nhân lớn tuổi tập đi sau ca phẫu thuật. Trước đó, bệnh nhân bị té ngã tại nhà. Ảnh:M.Hậu

Một bệnh nhân lớn tuổi tập đi sau ca phẫu thuật. Trước đó, bệnh nhân bị té ngã tại nhà. Ảnh:M.Hậu

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thành Nam, Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai, cho biết loãng xương làm giảm mật độ và chất lượng xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy, ngay cả khi có chấn thương nhẹ.

Một số dấu hiệu thường gặp của gãy xương vùng hông như: đau dữ dội ở vùng hông hoặc háng, cơn đau tăng khi cử động hoặc chịu lực, thậm chí có thể đau ngay cả khi nghỉ ngơi; hạn chế vận động; sưng và bầm tím; biến dạng chi.

Bác sĩ Nam khuyến cáo, nếu người dân nhận thấy bản thân hoặc người thân có các triệu chứng trên, đặc biệt sau khi bị tai nạn té ngã cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xác định chính xác tình trạng bệnh thông qua chụp X-quang hoặc chụp CT, MRI.

Tùy vào mức độ gãy xương và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm: điều trị bảo tồn (áp dụng khi gãy xương không di lệch hoặc sức khỏe bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật); phẫu thuật (áp dụng cho các trường hợp gãy xương di lệch hoặc ở các vị trí phức tạp như cổ xương đùi). Ngoài ra, còn có các phương pháp điều trị khác như: cố định xương bằng đinh, vít hoặc nẹp kim loại; thay khớp háng.

Những gia đình có người lớn tuổi cần chú ý sắp xếp đồ đạc, nhà cửa hợp lý, đảm bảo sàn nhà, sàn nhà vệ sinh không trơn trượt, sử dụng tay vịn khi đi lại hoặc lên xuống cầu thang…

An Yên (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/dieu-tri-gay-xuong-o-nguoi-lon-tuoi-a892cc2/
Zalo