Điều tra dư luận xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực

Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Một trong những giải pháp được đánh giá cao là việc điều tra dư luận xã hội, từ đó tạo cơ sở để đưa ra các quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn địa phương trong phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức điều tra dư luận tại thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức điều tra dư luận tại thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên.

Tháng 10/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc điều tra dư luận xã hội bằng hình thức điều tra trực tiếp tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn các huyện: Phù Yên, Vân Hồ, Thuận Châu, Mường La, Yên Châu, Sốp Cộp và điều tra tại 15 sở, ban, ngành có liên quan, với tổng số phiếu điều tra là 1.200 phiếu.

Kết quả điều tra cho thấy, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU kịp thời và phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị, đạt được một số kết quả quan trọng.

Công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự học tập, nghiên cứu, gắn bó lâu dài với nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt với môi trường, công việc được giao... Các ý kiến đánh giá tốt hơn đều đạt từ 78%-87%.

Việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi phát triển nguồn nhân lực đều được người dân đánh giá tốt. Trong đó, công tác nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện phát triển các ngành đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu xây dựng xã hội số, kinh tế số, chính quyền số... Các ý kiến trả lời tốt đều đạt từ 72% trở lên.

Các nội dung xin ý kiến đánh giá về việc tạo môi trường, điều kiện để phát triển nguồn nhân lực được nhân dân đánh giá tốt, như: Việc củng cố, phát triển mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông để tăng tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến lớp được đánh giá tốt hơn cả. Sau đó đến việc tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các ý kiến trả lời tốt đều đạt từ 62%-83%.

Việc tập trung huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển nguồn nhân lực được nhân dân đánh giá có hiệu quả. Trong đó,việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, giáo viên để cải thiện chất lượng đào tạo được người dân. Việc xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đào tạo theo mục tiêu ưu tiên và thực hiện công bằng xã hội. Kết quả có 61%-63% các ý kiến trả lời hiệu quả. Các nội dung xin ý kiến đánh giá về việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực có từ 66% đến 80% ý kiến trả lời rất tốt và tốt.

Về những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện phát triển nguồn nhân lực, các nội dung khó khăn, như: Việc thể chế hóa chính sách của Đảng, Chính phủ trong việc hợp tác gắn kết giữa đào tạo với sử dụng, với doanh nghiệp còn chậm (49% ý kiến trả lời khó khăn nhiều). Cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh còn chưa đồng bộ, chính sách đào tạo thiếu tính đặc thù cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số nên chưa thực sự khuyến khích được người học (47% ý kiến trả lời khó khăn nhiều).

Một số nội dung trong quá trình triển khai, thực hiện phát triển nguồn nhân lực được đánh giá chưa cao, như: Công tác tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy giải quyết việc làm và tự tạo việc làm sau đào tạo; triển khai xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Sơn La; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở đào tạo; thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu đào tạo theo cơ chế đặt hàng, theo địa chỉ...

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là: Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, người lao động và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có 80% ý kiến lựa chọn. Củng cố, phát triển mạng lưới giáo dục mầm non, phổ thông; đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đánh giá kết quả học tập, rèn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Bài, ảnh: Phạm Đào (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xay-dung-dang/dieu-tra-du-luan-xa-hoi-gop-phan-phat-trien-nguon-nhan-luc-65sgdV7NR.html
Zalo