Điều nên nuối tiếc...

Trong những ngày khắp nơi đang chộn rộn chuyện sáp nhập tỉnh, thành, bỏ cấp huyện, giảm số lượng cấp xã nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy và mở ra không gian mới để tăng tốc phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nhưng đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến mỗi người dân, với bao nỗi lòng, tâm tư, tình cảm gắn liền với từng tên làng, tên xã.

Minh họa: BH

Minh họa: BH

Việc chọn tên để đặt cho tỉnh, cho xã mới sau khi sáp nhập là chuyện được người dân đặc biệt quan tâm. Bởi tên gọi của địa phương không chỉ là một danh xưng, mà còn gắn liền với biểu tượng, bản sắc văn hóa, lịch sử và những chiến công hào hùng của một vùng đất. Trong lòng họ nhiều khi chỉ cần một cái tên cất lên đã đủ ngân vang bao ký ức, niềm tự hào, sự gắn bó qua nhiều thế hệ. Họ sợ đến một ngày nào đó cái tên thân thuộc sẽ dần bị lãng quên.

Tình yêu thương và sự trăn trở sâu sắc trước những đổi thay của quê hương dẫn đến nhiều tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Nhưng thiết nghĩ dù danh xưng của địa phương còn hay mất, thì có một điều chẳng bao giờ thay đổi là nó vẫn sẽ luôn hiện hữu trong tâm trí những người con của quê hương. Như trong bài thơ “Vẫn thế quê hương” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: “Chỉ thay đổi tên thôi/ đất vẫn thế chẳng ai di dời được/ vẫn sông núi nghìn năm thân thuộc/ vẫn hồn quê thấm đẫm hồn người”. Thật vậy, dù có gọi bằng cái tên nào đi nữa thì vẫn còn đó hình ảnh của mẹ cha ta một đời mưa nắng áo sờn vai, cuốc cày, khai hoang từng tấc đất. Còn đó những cánh cò bay qua câu ca dao, tiếng mẹ ru “à ơi, ví dầu” còn thấm sâu trong tiềm thức. Còn đó những trang sử hào hùng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tồn tại lâu đời. Còn đó âm sắc giọng quê được lưu giữ trong mỗi con người, dù có đi muôn phương thì chỉ cần cất lời là đã thấy quê hương trong lồng ngực.

Nếu có nuối tiếc thì xin hãy nuối tiếc sự mai một bản sắc văn hóa trong cuộc sống đương đại đã diễn ra trước khi có câu chuyện sáp nhập này. Một số đồng bào dân tộc thiểu số đã bị xu hướng “Kinh hóa” làm mất đi hoặc biến dạng đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Thế hệ sau sinh ra đã không còn hiểu rõ về phong tục tập quán, không nói được ngôn ngữ của dân tộc mình. Nhiều lễ hội truyền thống có khi chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trưởng bản.

Nếu tiếc xin hãy tiếc “cây đa, giếng nước, sân đình” vốn là biểu tượng của làng quê Việt Nam bao đời, là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng, ngày nay đã không còn rõ nét. Xu hướng đô thị hóa cùng với sự phát triển của đời sống đã khiến cho văn hóa làng xã mai một ít nhiều. Con người đang dần có xu hướng thu hẹp mình, bứt khỏi tính gắn kết cộng đồng. Cây cổ thụ đã dần mất đi, nhường chỗ cho những công trình đô thị hóa. Sân đình cũng vắng dần tiếng trẻ nô đùa, bởi chúng bị hút vào sự phát triển của công nghệ và thế giới ảo. Những lễ hội diễn ra ở đình làng cũng thưa vắng người hơn, sự tha thiết đã không còn như trước. So với việc mất đi cái tên danh xưng, thì sự “nguội lạnh” với văn hóa địa phương còn đáng sợ hơn nhiều.

Việc sáp nhập địa giới hành chính là quá trình vận động của đất nước để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, hình thái xã hội. Sáp nhập không có nghĩa là biến mất mà là để cùng nhau phát triển, vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Trong anh có tôi, trong tôi có anh, nhưng chúng ta vẫn không hề mất đi bản sắc. Chỉ cần trong mỗi người luôn có quê hương thì dù có gọi bằng cái tên nào đi nữa vẫn không thể lẫn lộn hay mai một. Chẳng phải chúng ta cùng chảy chung dòng máu Lạc Hồng? Quê hương, đất nước liền một dải đó sao?

Ai đó đã nói câu “đừng để cảm xúc lấn át đi chiến lược” mới chí lý làm sao. Chúng ta hãy vì sự phát triển chung mà cùng nhau thu dọn, vun vén cho công cuộc sáp nhập này. Hãy cùng vững tin rằng dẫu sáp nhập thì tình người, tình quê vẫn vẹn nguyên, như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã chắt ra những lời gan ruột: "Và ta biết chẳng bao giờ thiếu/ tên quê hương trong căn - cước - trái - tim/ ký ức vẫn giữ màu hoa tím/ nét chữ học trò chẳng sáp nhập vào đâu...".

Vũ Thị Huyền Trang (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dieu-nen-nuoi-tiec-37065.htm
Zalo