Điều kiện để tách, hợp thửa đất ở Lâm Đồng có gì đặc biệt?
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Diện tích tối thiểu được tách thửa tại Lâm Đồng là 40 m2
Ngày 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã ký ban hành quyết định quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Quyết định mới có hiệu lực từ ngày 15/10 tới đây, thay thế cho quyết định cùng tên đã ban hành vào ngày 18/8/2023.
Theo đó, đối với những thửa đất không được tách và hợp thửa, nếu như trước đây quy định 10 trường hợp thì nay chỉ có 3 trường hợp, gồm: Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất có vi phạm và chưa chấp hành việc xử lý vi phạm; đất được nhà nước cho thuê.
Về điều kiện tách và hợp thửa đất, cơ bản vẫn như quy định trước đây như: Thửa đất đã có giấy chứng nhận; thửa đất có nhiều mục đích sử dụng thì tách thửa với mục đích sử dụng có giá trị cao nhất; đất nông nghiệp sau khi tách không cần đảm bảo diện tích tối thiểu; thửa đất phi nông nghiệp có ít nhất 1 cạnh tiếp giáp đường giao thông thì chiều sâu phải từ 6m trở lên…
Diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng được chia theo từng loại nhà ở và quy định chiều dài tối thiểu cạnh tiếp giáp đường giao thông. So với trước, quy định mới không có sự khác biệt.
Cụ thể, diện tích tối thiểu tách thửa đất ở đối với nhà phố là 40 m2 và cạnh tiếp giáp đường tối thiểu 4 m; diện tích đất ở đối với nhà liên kế có sân vườn tối thiểu 72 m2 và cạnh giáp đường tối thiểu 4,5 m (nhà trong hẻm thì diện tích tối thiểu 64 m2 và cạnh giáp đường từ 4 m);
Diện tích đất ở đối với nhà biệt lập tối thiểu 250 m2 và cạnh giáp đường tối thiểu 10 m (nhà trong hẻm thì diện tích tối thiểu 200 m2 và cạnh giáp đường tối thiểu 10 m); diện tích đất ở đối với biệt thự tối thiểu 400 m2 và cạnh giáp đường tối thiểu 12 m (biệt thự trong hẻm thì diện tích đất ở tối thiểu 250 m2 và cạnh giáp đường ít nhất 10 m).
Đối với quy định tách thửa đất ở tại nông thôn, trường hợp chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở, trước đây chỉ quy định diện tích đất ở tối thiểu được tách là 72 m2 và cạnh giáp đường tối thiểu 4,5 m. Quy định mới bổ sung thêm một cạnh khác của thửa đất ở phải có kích thước tối thiểu 4,5 m.
Theo quyết định về tách thửa thì đất sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác có diện tích đất tối thiểu là 500 m2 tại khu vực đô thị (các phường, thị trấn); 1.000 m2 tại khu vực nông thôn (các xã) gồm cả phần diện tích thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng (nếu có); các thửa đất sau khi tách thửa phải có kích thước cạnh thửa tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi tối thiểu 10 m thì được tách.
Một điểm đáng chú ý với người dân tỉnh Lâm Đồng là các trường hợp đất rừng sản xuất là rừng trồng nếu có diện tích đất tối thiểu là 10.000 m2 thì được tách thửa.
Đối với các hồ sơ tách thửa, hợp thửa đất đã tiếp nhận theo hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh trước ngày 15/10, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải quyết theo quy định cũ. Trường hợp người dân đã nộp hồ sơ nhưng có nhu cầu tách thửa, hợp thửa theo quy định mới thì vẫn được rút hồ sơ và nộp lại.
Nhiều địa phương ban hành quy định mới về tách thửa
Kể từ tháng 8, Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực. Liên quan đến việc tách thửa đất, luật mới đã nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện phải bảo đảm. Cùng với đó, UBND cấp tỉnh căn cứ quy định và phong tục, tập quán tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất đối với từng loại đất.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành các quyết định về hoạt động tách thửa theo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Hà Nội: UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định số 61 quy định các nội dung quan trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/10, áp dụng cho các cơ quan Nhà nước, người sử dụng đất theo Luật Đất đai và các bên liên quan trong quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.
Về tách thửa đất ở, tại các phường, thị trấn, thửa đất phải có chiều dài và chiều rộng từ 4m trở lên, diện tích tối thiểu là 50 m2.
Tại các xã vùng đồng bằng, diện tích sau tách phải không nhỏ hơn 80 m2, ở vùng trung du là 100 m2, vùng miền núi là 150 m2. Điều này nhằm bảo đảm quy hoạch hợp lý, tránh chia nhỏ thửa đất quá mức.
Về đất thương mại, dịch vụ tại phường, thị trấn phải có chiều dài và chiều rộng tối thiểu từ 4 m và 10 m trở lên, với diện tích ít nhất là 400 m2. Tại các xã, diện tích tối thiểu là 800 m2 cho đất thương mại, dịch vụ.
Đất phi nông nghiệp không thuộc nhóm thương mại, dịch vụ cần diện tích tối thiểu 1.000 m2 tại phường, thị trấn và 2.000 m2 tại các xã.
Riêng đất nông nghiệp, thửa đất trồng cây hằng năm tại phường, thị trấn cần diện tích tối thiểu 300 m2, cây lâu năm 500 m2 và rừng sản xuất 5.000 m2.
Tại các xã, diện tích tương ứng là 500 m2, 1.000 m2 và 5.000 m2. Quy định này giúp bảo đảm quy mô canh tác hợp lý, tránh việc chia nhỏ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Tại Bình Định: Quyết định về điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất đã được địa phương ban hành vào ngày 1/8 và có hiệu lực từ ngày 15/8.
Cụ thể, đất ở tại đô thị sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu là 40 m2, kích thước chiều rộng (mặt tiền) và chiều dài (chiều sâu) thửa đất tối thiểu 3 m; đất ở tại nông thôn có diện tích tối thiểu 50 m2, chiều rộng và chiều dài tối thiểu 4 m.
Diện tích tối thiểu sau tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (không thuộc dự án đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê) là 100 m2, chiều rộng và chiều dài từ 5 m trở lên. Đối với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối là 500 m2, chiều rộng và chiều dài từ 5 m trở lên; đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản là 1.000 m2, chiều rộng và chiều dài từ 10 m trở lên; đất rừng sản xuất là 5.000 m2, chiều rộng và chiều dài từ 50 m trở lên.
Tại Hải Dương: Quy định mới về điều kiện tách thửa đất trên địa bàn đã có hiệu lực từ ngày 12/9. Đất ở thuộc khu vực đô thị phải có diện tích tối thiểu 30 m2, kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường hoặc lối đi chung tối thiểu 3 m; chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường hoặc lối đi chung tối thiểu 5 m. Đất ở thuộc khu vực nông thôn có diện tích tối thiểu 60 m2, kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu 5 m.
Diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất thương mại, dịch vụ cũng được đề cập. Đất của cá nhân và thuộc khu dân cư đô thị hoặc nằm trong quy hoạch khu dân cư đô thị đã được phê duyệt là 100 m2, kích thước một cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu 3 m. Đất của cá nhân và thuộc khu dân cư nông thôn hoặc nằm trong quy hoạch là 200 m2, kích thước một cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu 4 m.
Đất được nhà nước giao, cho thuê thực hiện dự án và thuộc khu vực đô thị hoặc nằm trong quy hoạch khu đô thị là 1.000 m2. Đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án và thuộc khu vực nông thôn hoặc nằm trong quy hoạch khu dân cư nông thôn, khu quy hoạch sản xuất kinh doanh tập trung là 2.000 m2. Đất được nhà nước giao, cho thuê làm dự án và nằm trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề hoặc nằm trong quy hoạch là 3.000 m2.
Tại Bắc Giang: Quy định chi tiết về điều kiện tách thửa do UBND tỉnh này ban hành đã được thực thi từ ngày 21/9. Với đất ở, thửa đất sau tách thửa có diện tích tối thiểu 32 m2, kích thước mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu so với chỉ giới xây dựng (nếu có) tối thiểu 5,5 m đối với thửa đất gốc có chiều sâu hiện hữu từ 5,5 m trở lên. Trường hợp sau khi Nhà nước thu hồi đất, thửa đất có chiều sâu hiện hữu nhỏ hơn 5,5 m thì chiều sâu tối thiểu phải đảm bảo 3 m.
Với đất trồng cây hàng năm, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 500 m2. Với đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, diện tích tối thiểu tại khu vực đô thị là 150 m2; khu vực nông thôn là 200 m2. Đối với thửa đất lâm nghiệp, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 3.000 m2.
Tại Nam Định: UBND tỉnh Nam Định mới ban hành quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu việc tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1/10.
Theo nội dung phân định khu vực để quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa, khu vực I gồm các vị trí đất thuộc các phường của TP Nam Định, các thị trấn hiện hữu. Khu vực II gồm các vị trí đất thuộc khu dân cư nằm ven các đường Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ; khu dân cư nằm ven các đường trục xã; khu dân cư tại các khu vực đặc thù ở TP Nam Định, các huyện Trực Ninh, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu. Khu vực III gồm vị trí đất ở các nơi còn lại.
Tại khu vực I, với thửa đất là bộ phận cấu thành dãy phố, ngõ phố có chiều rộng mặt đường trên 2,5 m thì thửa đất ở sau khi tách thửa phải có diện tích tối thiểu 30 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu so với chỉ giới xây dựng 5 m. Nếu ngõ phố có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 m thì phải có diện tích tối thiểu 45 m2, chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m, chiều sâu tối thiểu 7 m.
Tại khu vực II và III, thửa đất ở sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu lần lượt là 50 m2 và 80 m2, đều có chiều rộng mặt tiền tối thiểu 4 m và chiều sâu tối thiểu 7 m...
Tại Thanh Hóa: Quy định về điều kiện, diện tích tách thửa đất cũng sẽ được áp dụng từ ngày 1/10. Với đất ở tại đô thị, thửa đất sau tách thửa có diện tích tối thiểu 40 m2, kích thước cạnh tối thiểu 3 m. Riêng địa bàn phường Hải Thanh thuộc thị xã Nghi Sơn, diện tích là 30 m2 và kích thước cạnh là 3 m.
Với đất ở tại nông thôn, thửa đất sau tách thửa có diện tích tối thiểu 50 m2, kích thước cạnh tối thiểu 4 m. Riêng tại xã Nghi Sơn thuộc thị xã Nghi Sơn, xã Ngư Lộc thuộc huyện Hậu Lộc, xã Quảng Nham thuộc huyện Quảng Xương thì diện tích là 30 m2, kích thước cạnh là 3 m.
Với đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu 500 m2. Đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là 3000 m2.