Nhân dân là trung tâm, một giá trị cốt lõi - Kỳ 2: Khi người dân làm chủ
Không chỉ căn dặn cán bộ phải tận tụy, ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, nhân dân phải thực hiện tốt trách nhiệm “làm chủ” của mình, thì mới thực sự “là chủ”. Ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ), tuyến đường Nguyễn Chí Linh đi Hoàng Tăng có chiều dài 600m, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước 1 tỷ đồng, vừa thi công hoàn thành. Người dân phấn khởi khi được thụ hưởng thành quả, tuyến đường kết nối giao thông trong vùng, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện. Xóm làng trở nên vui hơn khi mỗi buổi sáng, mỗi chiều, người dân tập thể dục trên tuyến đường được bà con ví là tuyến đường của lòng dân.
“Dân giám sát” và “dân thụ hưởng”, điều này thấy rõ trong việc thực hiện công trình nói trên. Tuyến đường được thi công với sự giám sát chặt chẽ của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Phổ Văn Phạm Tấn Lâm, kiêm Trưởng Ban GSĐTCCĐ cho biết, mỗi ngày, ban giám sát đều cử thành viên trực tiếp theo dõi, giám sát và báo cáo tiến độ, chất lượng thi công, ghi cụ thể vào sổ theo dõi. Ban GSĐTCCĐ đã phát hiện việc đổ đá cấp phối còn gồ ghề và đề nghị khắc phục. Đồng thời, kiến nghị đơn vị thi công đắp đất lề hai bên cho đủ so với thiết kế, trả lại phần đất lề đã lấy ở đường cũ, đầm nén hai bên lề, đắp lại đoạn mương đất ở đầu tuyến… Những kiến nghị này được chủ đầu tư, đơn vị thi công tiếp thu và triển khai thực hiện ngay sau đó. “Bất cứ công trình nào có sự giám sát của người dân, chắc chắn công trình đó đạt hiệu quả, chất lượng. Việc theo dõi, giám sát không chỉ là trách nhiệm của người dân mà còn đi đôi với quyền thụ hưởng của người dân. Đại diện cho nhân dân giám sát công trình nên chúng tôi nỗ lực làm tròn trách nhiệm”, ông Phạm Tấn Lâm đúc kết.
Phó Bí thư Đảng ủy phường Phổ Văn Bùi Ngọc Huệ bảo rằng, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, người dân là đối tượng thụ hưởng. Bởi vậy, Đảng ủy, UBND phường quán triệt phải thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trước khi triển khai bất kỳ một dự án nào, UBND phường đều thông tin công khai để người dân biết, bàn bạc và giám sát. Ngoài ra, người dân đóng góp ý kiến nhiều vấn đề, chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết ngay, không phải đợi đến kỳ tiếp công dân.
Tại xóm 1A, thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn), dù ban trưa, trời nắng chói chang, vậy mà ông Đoàn Cao Hóa cùng các thành viên Ban GSĐTCCĐ vẫn có mặt để giám sát việc thi công công trình nâng cấp, sửa chữa trạm bơm Gò Tàu. Công trình sau khi hoàn thành phục vụ nước tưới cho cánh đồng tại xóm 1A, giải quyết tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Ông Hóa cho biết, thành viên Ban GSĐTCCĐ nhận thấy bể thu nước còn cao, có khả năng bị thiếu nước trong mùa khô; dây tải cáp nâng cùng lúc 2 mô tơ sẽ không đảm bảo việc nâng đỡ khi mưa lũ. Ngay sau khi lắng nghe góp ý từ Ban GSĐTCCĐ, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã điều chỉnh kịp thời.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Dương Nguyễn Văn Sương cho biết, mỗi công trình đều có 1 Ban GSĐTCCĐ. Thông qua giám sát, Ban GSĐTCCĐ đã phát hiện đơn vị thi công dự án sửa chữa hệ thống mương thoát nước từ nhà ông Huỳnh Tấn Anh đi Nguyễn Sâm nối dài, sử dụng đá rọ quá to, vào rọ không chặt ảnh hưởng đến khả năng chịu tác động của môi trường. Ban GSĐTCCĐ đã yêu cầu đơn vị thi công bóc dỡ rọ đá, thay vật liệu đúng kích thước theo thiết kế để bảo đảm chất lượng công trình. Ngoài ra, Ban Thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, nhất là trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn như: Giá đền bù, kiểm đếm cây cối, hoa màu… để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Tâm cho biết, năm 2024, Ban Thanh tra nhân dân giám sát 15 cuộc, Ban GSĐTCCĐ giám sát 54 công trình, dự án trên địa bàn huyện. Các công trình, dự án xây dựng ở cơ sở khi có sự vào cuộc ngay từ đầu của Ban GSĐTCCĐ đã phát huy tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chất lượng công trình đảm bảo, tránh lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được phát huy, ý thức chấp hành pháp luật, thực hành dân chủ trong nhân dân được nâng lên. Các cấp ủy đảng, chính quyền đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân, sát dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân; quan tâm giải quyết kịp thời những bức xúc, vướng mắc của nhân dân. Từ đó, tạo được niềm tin của nhân dân đối với tổ chức đảng, chính quyền. Nhờ vậy, mọi việc thực hiện thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 10,91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,82% (năm 2023) còn 2,09% (năm 2024); tỷ lệ giải quyết đơn thư đến thời điểm hiện nay đạt 90,09%; toàn huyện có 21/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Là đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu HĐND các cấp đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề nghị các đơn vị chức năng vào cuộc giải quyết và theo đến cùng vụ việc để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Ông Trần Văn Mai, ở tổ 8, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ hài lòng khi chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thừa nhận gây ra tình trạng bồi lấp suối Ba Đơn khi thi công cao tốc khiến gần 5.000m2 đất lúa của dân bị bỏ hoang suốt 8 năm qua. VEC đã thực hiện khơi thông dòng chảy, làm kè rọ đá ở khu vực suối Ba Đơn. “Chủ đầu tư làm đường cao tốc gây sạt lở, bồi lấp và làm thay đổi dòng chảy suối Ba Đơn nên chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, yêu cầu khắc phục nhưng họ không làm. Chúng tôi phản ánh tới Đoàn ĐBQH tỉnh và được ĐBQH quan tâm. Ban Dân nguyện của Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo VEC kiểm tra, khắc phục nhưng khi đó VEC không thừa nhận do đơn vị gây ra”, ông Mai kể.
Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành khảo sát tại suối Ba Đơn, mời chủ đầu tư cùng tham gia. Cuộc khảo sát đã làm rõ nhiều vấn đề cử tri phản ánh là đúng thực tế, VEC thừa nhận do đơn vị gây bồi lấp suối Ba Đơn và cam kết khắc phục. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện của Quốc hội thông tin kết quả về việc VEC khắc phục tình trạng sạt lở, bồi lấp ở suối Ba Đơn. “Nếu như ĐBQH tỉnh không theo đến cùng thì có lẽ đến giờ bức xúc của người dân về việc bồi lấp suối Ba Đơn do VEC gây ra vẫn chưa được giải quyết thấu đáo”, bà Nguyễn Thị Sự, ở tổ 8, phường Quảng Phú nói.
Năm 2023, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), nhiều hộ dân ở tổ 5, thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ đã phản ánh nỗi khổ do quy hoạch treo hơn chục năm qua khi nằm trong vùng quy hoạch KCN VSIP Quảng Ngãi. Người dân cho rằng, đơn vị chức năng ra thông báo thu hồi đất và di dời dân, nhưng sau đó quy hoạch treo làm cho 124 hộ dân dân rơi vào cảnh “đi không được, ở cũng không xong”. Đoàn ĐBQH tỉnh đã lập đoàn khảo sát, trực tiếp làm việc với các đơn vị liên quan. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, Chính phủ đã điều chỉnh tổng thể dự án, bỏ gần 76ha đất ở xóm 5 ra khỏi dự án. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh cần tiến hành quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/2.000, sau đó thông báo hủy quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân xóm 5; đồng thời tạo điều kiện cho người dân sửa chữa nhà cửa, tách thửa đất... Đồng thời, quan tâm xây dựng công trình cơ sở hạ tầng ở xóm 5 để người dân có cuộc sống tốt hơn. Đến nay, 124 hộ dân đã thoát khỏi tình trạng quy hoạch treo. “Bây giờ, địa phương đang được Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, mương thoát nước và người dân có thể xây dựng nhà, tách thửa. Cảm ơn các ĐBQH đã lắng nghe và xử lý những bức xúc của người dân”, ông Phạm Ngạc, ở xã Tịnh Thọ vui mừng nói.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy, thời gian các cuộc tiếp xúc cử tri có hạn nên ĐBQH có thể chưa hiểu hết nội dung cử tri kiến nghị. Một trong những cách để nắm bắt rõ hơn tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, đó là tổ chức khảo sát. Từ đó có phương án giải quyết thấu tình đạt lý, nhằm tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và người dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thực hiện: P.LÝ - B.YẾN - B.HÒA - M.HUY - TR.ÂNThiết kế, trình bày: L.H
Kỳ cuối: Để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở