Điều hướng tác động lan tỏa của thuế quan Mỹ

Chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển mạnh nhờ khả năng dự báo; song, thuế quan tạo ra hiệu ứng ngược lại. Khi các chính phủ áp đặt rào cản thương mại mới, chi phí sẽ thay đổi, các nhà cung cấp sẽ đối mặt với thách thức, và toàn bộ các ngành công nghiệp phải thích ứng theo thời gian thực.

 Các container hàng hóa tại cảng Penang ở Malaysia. Ảnh minh họa: Penang Port

Các container hàng hóa tại cảng Penang ở Malaysia. Ảnh minh họa: Penang Port

Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố thuế nhập khẩu mới đối với tất cả hàng hóa vào Mỹ với mức thuế cơ bản là 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, bao gồm mức thuế 25% đối với tất cả ô tô không được sản xuất tại Mỹ. Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại, có khả năng gây gián đoạn cho các nhà sản xuất ô tô Bắc Mỹ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tích hợp trên khắp Mỹ, Mexico và Canada. Các nhà phân tích lưu ý, gần một nửa số xe được bán tại Mỹ là xe nhập khẩu, khiến giá bán có khả năng tăng.

Châu Á cũng cảm nhận tác động lớn nhất của các mức thuế này, với Singapore, quốc gia ASEAN duy nhất mà Mỹ có thặng dư thương mại phải đối mặt với mức thuế cơ bản là 10%. Trong khi đó, Việt Nam đối mặt với mức thuế 46%, Thái Lan 36%, Indonesia 32% và Malaysia 24%.

Tác động và thách thức

Những tác động đối với chuỗi cung ứng rất rộng, từ gián đoạn hoạt động ngay lập tức đến những thay đổi chiến lược dài hạn.

Khi thuế quan được áp dụng, tác động sẽ lan tỏa khắp các chuỗi cung ứng, thường làm tăng chi phí cho nguyên liệu thô, thành phẩm và hậu cần (logistics). Theo báo cáo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) của Mỹ năm 2019, được công bố trong đợt áp thuế trước đó của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, một kết quả tức thời là tăng trưởng kinh tế chậm lại do nhu cầu hàng hóa giảm.

Mặc dù tác động ngắn hạn của thuế quan là đáng kể, nhưng chúng không kéo dài mãi mãi, khi các chuỗi cung ứng thích ứng với thực tế mới. Các công ty buộc phải hiệu chỉnh lại hoạt động, chẳng hạn như thay đổi chiến lược tìm nguồn cung ứng, đa dạng hóa cơ sở nhà cung cấp và tìm kiếm các lựa chọn sản xuất.

Bên cạnh đó, thuế quan cũng đưa ra những thách thức như biến động giá, khi chi phí vật liệu và hàng hóa biến động gây căng thẳng cho ngân sách và làm giảm lợi nhuận. Cùng với đó là rủi ro của nhà cung cấp, việc chuyển sang các nhà cung cấp chưa được kiểm tra hoặc có chi phí cao hơn sẽ gây ra những bất ổn mới. Ngoài ra, thuế quan làm thay đổi các tuyến thương mại và mô hình vận chuyển, dẫn đến sự chậm trễ và tăng chi phí.

Tuy nhiên, những thách thức này cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.

Chiến lược điều hướng

Theo bà Faye Baker, chuyên gia đến từ Công ty quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu Kinaxis, có một số cách tiếp cận giúp quản lý sự gián đoạn liên quan đến thuế quan.

Đó là mô phỏng các tình huống bằng phân tích dự báo, các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến có thể mô hình hóa tác động của thuế quan đối với chi phí, hàng tồn kho và thời gian giao hàng, giúp các doanh nghiệp xác định các con đường khả thi nhất.

Cách tiếp cận tiếp theo là đa dạng hóa mạng lưới nhà cung cấp. Các nền tảng điều phối chuỗi cung ứng có thể giúp đánh giá hiệu suất và rủi ro của nhà cung cấp, từ đó cho phép các tổ chức xây dựng mối quan hệ chiến lược trên nhiều khu vực để giảm thiểu rủi ro về thuế quan.

Ngoài ra, với khả năng hiển thị toàn diện, việc tăng cường khả năng hiển thị theo thời gian thực sẽ đảm bảo các doanh nghiệp có thể theo dõi nhu cầu, hàng tồn kho và hậu cần theo thời gian thực, giúp dễ dàng thích ứng nhanh với các mức thuế mới.

Bà Faye Baker cho rằng, đa dạng hóa mạng lưới nhà cung cấp và khám phá các địa điểm sản xuất thay thế là những biện pháp chủ động mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để điều hướng thách thức một cách hiệu quả.

Một nền tảng điều phối chuỗi cung ứng tiên tiến có thể đóng vai trò quan trọng trong các điều chỉnh này, cho phép các doanh nghiệp nhanh chóng lập mô hình kịch bản, đánh giá các phương án thay thế và thực hiện sự thay đổi. Bằng cách tích hợp khả năng hiển thị theo thời gian thực và phân tích dự báo, các nền tảng như vậy sẽ trao quyền cho các tổ chức để phản ứng trước động lực thị trường thay đổi bằng phân tích chi tiết.

“Từ kinh nghiệm về chuỗi cung ứng của riêng mình, lời khuyên của chúng tôi dành cho các tổ chức vẫn là: “hãy chủ động”. Trong khi thuế quan có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, chúng cũng tạo ra cơ hội cho sự đổi mới sáng tạo và cải tiến. Đầu tư công nghệ (đặc biệt là vào các công cụ AI có thể phân tích thông tin phức tạp một cách nhanh chóng), đa dạng hóa nhà cung cấp và quy trình lập kế hoạch linh hoạt đều góp phần xây dựng tính linh hoạt trước sự không chắc chắn”, chuyên gia Kinaxis nhấn mạnh.

Lê Thảo(Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/dieu-huong-tac-dong-lan-toa-cua-thue-quan-my-152485.html
Zalo