Điều hòa chứa vi khuẩn gấp 10 lần giẻ lau nhà, 30 lần bồn cầu: Làm ngay điều này để bảo vệ sức khỏe

Điều hòa là 'cứu tinh' trong những ngày nóng nhưng trước khi sử dụng mà quên làm một việc quan trọng, thiết bị này có thể trở thành 'sát thủ' đe dọa sức khỏe.

Cần làm gì trước khi bật điều hòa?

Điều hòa lâu ngày không sử dụng nhất định phải được vệ sinh trước khi dùng lại.

Sau một mùa đông không hoạt động, điều hòa không chỉ bám đầy bụi bẩn mà còn chứa vô số vi khuẩn gây bệnh.

Theo một phóng sự của CCTV, điều hòa không được vệ sinh trong một năm có thể chứa lượng lớn vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu vàng, trực khuẩn bào tử,…

Số lượng vi khuẩn có thể gấp 10 lần giẻ lau nhà, gấp 15–30 lần bồn cầu gia đình.

Những vi khuẩn này khi xâm nhập đường hô hấp có thể gây ra các bệnh như dị ứng, nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy, viêm mũi, nặng hơn có thể dẫn đến sốc phản vệ, nhiễm trùng huyết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài ra còn có bọ ve bụi – nguyên nhân gây ngứa da, hen suyễn. Trong mỗi 30g bụi có thể chứa tới 42.000 con bọ ve.

Nếu chúng tiếp xúc với da có thể bị mề đay dạng sẩn, mụn trứng cá. Nếu hít phải dễ dẫn đến viêm mũi dị ứng và hen suyễn.

Nhiều người cứ vào phòng điều hòa là hắt hơi, ho, da nổi mẩn có thể là do chưa vệ sinh điều hòa, vi khuẩn và bọ ve trong đó đang “tác oai tác quái”.

Điều đáng sợ nhất là vi khuẩn Legionella – một loại cực kỳ nguy hiểm.

Legionella thường ẩn trong hệ thống nước làm mát của điều hòa, phát triển trong môi trường có màng sinh học, bám vào dàn lạnh, trở thành nguồn lây lan bệnh lý.

Một khi bị nhiễm loại vi khuẩn này, thường là bệnh nặng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Nếu phát hiện và điều trị muộn, người bệnh có thể tử vong trong 1–7 ngày, thậm chí trong ngày phát bệnh nếu sức khỏe yếu.

Các bước vệ sinh điều hòa tại nhà

Bước 1: Ngắt nguồn điện: Rút phích cắm hoặc ngắt aptomat điều hòa để đảm bảo an toàn.

Bước 2: Tháo mặt nạ và lọc gió

Mở nắp trước điều hòa (thường có thể mở bằng tay).

Lấy bộ lọc không khí (lưới lọc bụi) ra khỏi máy.

Bước 3: Vệ sinh lưới lọc

Dùng bàn chải mềm chải nhẹ bụi bẩn. Sau đó rửa dưới vòi nước sạch.

Để ráo hoặc lau khô bằng khăn sạch, tránh để ướt rồi lắp lại.

Bước 4:Vệ sinh dàn lạnh(dàn tản nhiệt)

Dùng bình xịt dung dịch vệ sinh điều hòa (lắc đều trước khi xịt).

Đặt bình cách dàn lạnh khoảng 5–10 cm, xịt đều lên các khe kim loại.

Chờ 15 phút để dung dịch hòa tan bụi bẩn.

Sau đó bật máy chạy 15–30 phút (lắp lại lưới lọc) để nước bẩn chảy ra qua ống thoát nước. Không nên dùng khăn lau trực tiếp vào dàn lạnh vì dễ làm cong vênh lá nhôm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bước 5: Vệ sinh cửa gió và vỏ máy

Dùng khăn ẩm lau sạch phần nhựa bên ngoài và cánh đảo gió.

Lau lại bằng khăn khô.

Không dùng chất tẩy rửa mạnh hoặc bàn chải cứng, có thể làm hỏng dàn lạnh hoặc trầy xước nhựa.

Nếu điều hòa quá bẩn, có mùi lạ, hoặc bạn không chắc chắn khi tháo lắp, nên gọi thợ chuyên nghiệp để vệ sinh toàn diện (cả dàn nóng, dàn lạnh, ống dẫn nước…).

3 điều cấm kỵ khi dùng điều hòa mùa hè

Bật điều hòa ngay sau khi ra nhiều mồ hôi

Khi đang toát mồ hôi, lỗ chân lông mở rộng, nếu lập tức vào phòng lạnh hoặc đứng trước điều hòa, hàn khí dễ xâm nhập có thể gây cảm nóng ẩm, biểu hiện như sốt, mệt mỏi, đầu nặng, tay chân rã rời.

Khi sinh hoạt vợ chồng nên bật điều hòa trước để điều chỉnh nhiệt độ.

Để gió lạnh thổi trực tiếp vào người

Một số người thích bật điều hòa ở mức gió lớn và hướng thẳng vào mặt. Tuy làm mát nhanh nhưng nhiệt độ da đầu giảm đột ngột, dễ gây co thắt mạch máu não.

Đặc biệt với người lớn tuổi có bệnh tim mạch, có thể dẫn đến đột quỵ

Ngủ trong xe ô tô chạy điều hòa (đặc biệt là xe chạy xăng)

Không gian trong xe kín, nếu ngủ khi đang bật điều hòa, khí CO từ động cơ có thể rò rỉ vào cabin, gây ngộ độc khí.

Cách nghỉ ngơi an toàn nhất là tắt điều hòa, mở cửa sổ, đậu xe chỗ râm mát. Nếu buộc phải bật điều hòa khi ngủ trong xe, tuyệt đối không được đóng kín cửa sổ.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dieu-hoa-chua-vi-khuan-gap-10-lan-gie-lau-nha-30-lan-bon-cau-lam-ngay-dieu-nay-de-bao-ve-suc-khoe-d206066.html
Zalo