Bảo vệ sức khỏe nhờ sử dụng chanh đúng cách

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước chanh không chỉ giúp trẻ giải khát, mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp bé khỏe mạnh suốt mùa nóng...

Phụ huynh nên cho trẻ làm quen từ từ với hương vị của chanh. Ảnh: INT

Phụ huynh nên cho trẻ làm quen từ từ với hương vị của chanh. Ảnh: INT

Khi những đợt nắng nóng đôi khi đi kèm với độ ẩm cao trong mùa Hè này, các phụ huynh phải đối mặt với “nhiệm vụ” giữ cho con mình sức khỏe tốt và tràn đầy năng lượng. Chanh được xem là một trong những công cụ hữu hiệu, hỗ trợ kích thích vị giác cũng như chứa rất nhiều chất dinh dưỡng.

Tăng cường sức đề kháng

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, nước chanh không chỉ giúp trẻ giải khát, mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp bé khỏe mạnh suốt mùa nóng nhất trong năm. Nước chanh giúp trẻ em sảng khoái hơn và có thể thay thế các loại đồ uống có đường.

Với vị chua cùng màu vàng tươi, nước chanh giúp trẻ em làm quen với đồ uống lành mạnh, thay vì các thức uống có ga thông thường. Trẻ có thể uống với liều lượng nhỏ bên cạnh các bữa ăn trong ngày.

Tuy nhiên, nếu lo rằng nước chanh quá chua so với trẻ, cha mẹ có thể thêm một vài giọt nước cốt chanh tươi vào nước hoặc các loại đồ uống yêu thích khác của con. Đây được coi là cách phù hợp để cung cấp cho trẻ chất dinh dưỡng quan trọng.

Cách làm này giúp bổ sung vitamin C - chất chống oxy hóa cho trẻ. Từ đó, nâng cao sức đề kháng và góp phần bảo vệ trẻ khỏi bị cúm, sốt cùng một số vấn đề sức khỏe khác.

Chanh được xem là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vitamin C có giá trị trong việc cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, sức khỏe làn da và hoạt động như một người bạn đồng hành với cơ thể để tăng cường hấp thụ sắt trong thực phẩm.

Ngoài ra, nước chanh giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn và hấp thụ chất dinh dưỡng. Điều này đặc biệt hữu ích vào mùa Hè, khi trẻ em thường xuyên tham dự các buổi dã ngoại, tiệc nướng ngoài trời.

Nước chanh còn có đặc tính kháng sinh tự nhiên vì axit citric giúp hỗ trợ điều trị cúm và các bệnh nhiễm trùng tai thông thường.

Vitamin C trong chanh còn có thể được sử dụng để điều trị ho, đau họng và một số rối loạn hô hấp khác - tình trạng có thể xảy ra do trẻ tăng cường hoạt động thể chất trong mùa Hè, tiếp xúc với các chất gây dị ứng và ô nhiễm không khí.

Lợi ích đối với làn da trẻ

Nước chanh có hoạt tính kháng khuẩn và làm se, giúp hỗ trợ điều trị mụn trứng cá và các vết thâm. Vào mùa Hè, tình trạng mụn và thâm ở trẻ có thể trở nên tồi tệ hơn do nhiệt độ, tăng tiết mồ hôi và hoạt động thể chất.

Nước chanh có vitamin C với đặc tính chống oxy hóa giúp giảm các gốc tự do trong lớp da và bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, nước chanh không thể thay thế kem chống nắng thông thường.

Cam, chanh vàng, chanh xanh, bưởi và một số loại khác được phân loại vào nhóm trái cây họ cam quýt có nguồn gốc từ họ Rutaceae. Những loại trái cây này về cơ bản có liên quan đến hương vị chua hoặc cay và chứa hàm lượng vitamin C cao. Trong số tất cả các loại trái cây họ cam quýt hiện có, chanh vàng và chanh xanh được coi là hai loại phổ biến và nổi tiếng nhất.

Giá trị dinh dưỡng

Nước chanh có các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho hoạt động thường ngày của trẻ, đồng thời chứa các chất chống viêm giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Một ly nước chanh cung cấp cho trẻ em từ 4 - 8 tuổi gần 51% lượng vitamin C cần thiết trong một ngày. Nước chanh cũng rất giàu vitamin B6, có chức năng liên quan đến chuyển đổi protein và sản xuất hồng cầu. Kali - khoáng chất thiết yếu này giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ chức năng cơ và thần kinh hoạt động bình thường.

Bên cạnh đó, dung dịch axit dưới dạng axit xitric có trong nước chanh không chỉ tạo nên hương vị dễ chịu mà còn tăng khả năng tiêu hóa và có chức năng kháng khuẩn. Và chanh bao gồm các flavonoid như hesperidin và eriocitrin, chứa các chất chống oxy hóa thiết yếu giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh bằng cách giảm bớt căng thẳng bổ sung cho tế bào của cơ thể do các gốc tự do gây ra. Việc kết hợp nước chanh vào bữa ăn của trẻ em trong thời gian mùa Hè là một cách tốt để hỗ trợ trẻ duy trì sức khỏe.

 Chanh được xem là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: INT

Chanh được xem là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: INT

Thời điểm trẻ có thể dùng chanh

Không ít phụ huynh đặt ra câu hỏi: Trẻ có thể sử dụng chanh ở thời điểm nào? Một số video được đăng tải trên Internet cho thấy, phụ huynh cho trẻ nếm thử vị của quả chanh và chờ đợi phản ứng sửng sốt của bé.

Các chuyên gia cho biết, một quả chanh nặng 84 gram chứa tới 45 miligam (mg) vitamin C. Con số này tương đương 90% lượng vitamin C khuyến nghị hằng ngày là 50 mg cho trẻ sơ sinh từ 7 đến 12 tháng.

Việc bổ sung đủ vitamin C giúp cơ thể trẻ hấp thụ sắt, tạo collagen và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Thêm vào đó, là một chất chống oxy hóa, vitamin C chống lại tác hại của các gốc tự do, có thể gây tổn hại đến tế bào.

Ngoài lợi ích dinh dưỡng, chanh và nước chanh có thể tăng hương vị cho bữa ăn của trẻ. Chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa tại Mỹ - bà Amy Chow cho biết: “Sử dụng nước chanh là một cách tuyệt vời để tăng thêm hương vị cho thức ăn của trẻ sơ sinh. Bởi, không nên thêm muối vào đồ ăn của trẻ trước 12 tháng tuổi”.

Nước chanh cũng có thể có lợi cho răng của trẻ. Theo chuyên gia này, nước chanh có thể hoạt động như chất làm mềm thịt tự nhiên, giúp thịt mềm hơn để trẻ dễ nhai.

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), trẻ sơ sinh có thể bắt đầu ăn thức ăn đặc khi được khoảng 6 tháng tuổi. Ở thời điểm đó, cha mẹ có thể bắt đầu thêm một hương vị nổi bật như chanh, hoặc một chút nước cốt chanh vào công thức nấu ăn cho bé.

Tuy nhiên, cha mẹ nên cho trẻ làm quen với chanh và nước cốt chanh với số lượng ít. Chuyên gia Amy Chow khuyến nghị, nên thêm một chút nước cốt chanh và không quá 1/4 quả chanh vào công thức nấu ăn.

Thêm nước cốt chanh vào các loại thực phẩm quen thuộc, được ưa chuộng đã được thử nghiệm và chứng minh là hiệu quả. Ví dụ, nếu trẻ thích sữa chua, hãy trộn một chút nước cốt chanh vào sữa chua nguyên chất và cho bé ăn kèm với các miếng trái cây nhỏ. Nếu bé thích đồ nướng, hãy cho trẻ nếm thử bánh nướng hoặc bánh mì có nước cốt chanh.

Ngay cả người lớn cũng không thích hương vị quá chua. Do đó, một số phụ huynh lo ngại rằng, nước chanh có thể quá nồng đối với khẩu vị của trẻ. Các chuyên gia nhấn mạnh, tốt nhất là không nên cho trẻ ăn cả quả chanh hoặc uống trực tiếp nước cốt chanh. “Phụ huynh không nên cho trẻ ăn riêng một quả chanh. Nước chanh để uống hoặc một lát chanh thường có tính axit cao so với trẻ sơ sinh”, bà Chow chia sẻ.

Tính axit của chanh không chỉ có nghĩa là trẻ có thể gặp phải phản ứng chua, mà còn có thể làm trầm trọng thêm một số tình trạng sức khỏe. Chuyên gia này cảnh báo, nước chanh gây kích ứng da và/hoặc làm trầm trọng thêm chứng trào ngược dạ dày ở một số trẻ khi ăn với số lượng lớn. Thay vì để trẻ tự do ăn những lát chanh, hãy dần dần cho chanh hoặc nước chanh vào các loại thực phẩm quen thuộc khác.

Phụ huynh có thể sử dụng chanh trong ướp thịt. Ví dụ, đối với thịt bò bít tết hoặc thịt gà, phụ huynh có thể ngâm trong hỗn hợp nước cốt chanh và dầu ô liu để làm mềm thịt. Cha mẹ cần lưu ý cắt hoặc xé thịt thành từng miếng nhỏ trước khi cho trẻ ăn. Một gợi ý khác là vắt nước cốt chanh vào rau đã nấu chín hoặc nướng, như bông cải xanh, đậu xanh hoặc cải xoăn.

Thực tế, mỗi trẻ lại có một khẩu vị khác nhau. Vì vậy, trẻ có thể có nhiều phản ứng khác nhau khi lần đầu nếm thử vị chua của chanh. Các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi ban đầu trẻ không thích chanh, phụ huynh vẫn nên để con từ từ làm quen với hương vị đó. Một số nghiên cứu cho thấy, việc cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với một loại thực phẩm mới hoặc không thích có thể khiến bé chấp nhận hương vị đó sau này.

Trên thực tế, AAP cho biết, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng không nên uống nước ép trái cây. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi nên hạn chế uống nước ép trái cây mỗi ngày. Đối với các vấn đề về dị ứng, nguy cơ phản ứng dị ứng với chanh là thấp. Bởi, chanh không nằm trong tám chất gây dị ứng thực phẩm hàng đầu. Tuy nhiên, AAP khuyến cáo chỉ nên cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới tại một thời điểm để xác định chính xác các phản ứng dị ứng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em bị dị ứng với phấn hoa và cỏ có nhiều khả năng bị dị ứng với trái cây họ cam quýt. Nếu lo lắng về nguy cơ khi trẻ ăn chanh hoặc uống nước chanh, phụ huynh nên trao đổi với bác sĩ để đưa ra giải pháp hợp lý.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-ve-suc-khoe-nho-su-dung-chanh-dung-cach-post731412.html
Zalo