Điều hành giá thận trọng, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát

Từ nay cho đến hết năm 2025, công tác quản lý điều hành giá tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát do Chính phủ và Quốc hội đề ra; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu (giá xăng dầu, giá gas, giá lương thực, thực phẩm, giá vật liệu xây dựng, giá nhà ở thuê) kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện tác động đến mặt bằng giá năm 2025, Bộ Tài chính giả định biến động giá một số mặt hàng thiết yếu tác động đến CPI theo 3 kịch bản.

Cụ thể, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 3,83% so với năm 2024. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024. Kịch bản 3, CPI bình quân tăng khoảng 4,5% so với năm 2024.

CPI tháng 1/2025 tăng 0,98%

Theo thống kê, CPI tháng 1/2025 tăng 0,98% so với tháng 12/2024 chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương, giá thực phẩm, dịch vụ giao thông tăng khi nhu cầu người dân mua sắm, đi lại tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2025 tăng 3,63%.

Tổng cục Thống kê cũng dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5%. Ngân hàng nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 4±0,4% và có tính đến xác suất lạm phát vượt mục tiêu 4,5% có thể xảy ra trong trường hợp Chính phủ phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao trên 8%.

Bộ Tài chính cũng phân tích một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2025. Đối với giá các nhóm mặt hàng nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, trong đó giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tăng giảm đan xen do tác động của các yếu tố địa chính trị; giá một số vật liệu xây dựng có nguồn cung hạn chế như cát, đá xây dựng có thể tăng do nhu cầu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm; giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc có thể tăng cục bộ vào một số thời điểm lễ, tết hoặc ảnh hưởng của bão lũ, thời tiết bất lợi...

Một yếu tố quan trọng cơ quan quản lý phải tính đến đó là, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng CPI. Cụ thể, giá trần dịch vụ giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp năm học 2025 - 2026 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình; giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh từ tháng 10/2024 sẽ tác động chủ yếu đến CPI năm 2025; giá dịch vụ khám chữa bệnh dự kiến sẽ kết cấu thêm chi phí quản lý từ tháng 7/2025 theo đề xuất của Bộ Y tế.

Ngoài ra, sẽ có một số yếu tố khác như chính sách tăng cường hàng rào thuế quan mới của Mỹ đối với một số nước lớn có thể làm gia tăng rủi ro lạm phát và tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Sự lên giá của đồng USD cũng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong đó có giải ngân đầu tư công dự kiến được đẩy mạnh trong năm 2025 với nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

Xây dựng kịch bản điều hành giá từng quý

Trong 3 kịch bản lạm phát năm 2025 được Bộ Tài chính đề xuất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị chọn kịch bản thứ 2 - CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024 để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện.

Để thực hiện phương án này, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành được giao nhiệm vụ quản lý giá ở các lĩnh vực xây dựng kịch bản điều hành giá từng quý gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để các đơn vị tham mưu cho Chính phủ có kịch bản khả thi nhất. Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị thực hiện nghiêm túc Luật Giá để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp thao túng giá, chiếm dụng, nâng giá. Với những mặt hàng do nhà nước quản lý phải quản một cách chặt chẽ và điều hành theo đúng kịch bản. Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến của thị trường, các loại hàng hóa chiến lược và các chính sách, cũng như diễn biến của thị trường thế giới để xây dựng các kịch bản, giải pháp một cách linh hoạt để đối phó.

Kiến nghị biện pháp điều hành giá, theo Bộ Tài chính, từ nay cho đến hết năm 2025, công tác quản lý điều hành giá cần tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong điều kiện các nguồn lực được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp theo diễn biến chỉ số giá tiêu dùng.

Để kiểm soát lạm phát năm 2025 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn tình trạng tăng giá

Theo Ban chỉ đạo điều hành giá, sau tết là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội thường có xu hướng tăng.

Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau tết cũng như các thời điểm lễ tết khác trong năm khi thị trường có biến động, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 45/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 3/2/2025 bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là đối với các mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí, nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô.

Cơ quan quản lý cũng sẽ quản lý chặt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau tết; tăng cường kiểm tra, giám sát kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý...

Đối với mặt hàng xăng dầu, thời điểm sau tết là dịp nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân, Bộ Công thương cần chủ động bám sát tình hình thực tế để chủ động các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu, không để tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trước mọi tình huống...

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-hanh-gia-than-trong-bam-sat-muc-tieu-kiem-soat-lam-phat-170036-170036.html
Zalo