Điều gì xảy ra trong quá trình nhịn ăn dài ngày?

Không có nghiên cứu nào chắc chắn về giới hạn nhịn ăn của con người vì khoa học không cho phép 'thí nghiệm' này. Tuy nhiên, dựa trên những thu thập từ một số người chủ động nhịn ăn cho thấy con người có thể nhịn ăn nhiều ngày khi có nước duy trì.

Nội dung

1. Nhịn ăn bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố

2. Điều gì xảy ra khi nhịn ăn?

3. Những gì ảnh hưởng đến sự sống còn khi không có thức ăn?

4. Biến chứng của việc nhịn đói

Mới đây một thanh niên bị mắc kẹt giữa dòng lũ trên sông Ayun, Gia Lai suốt 9 ngày. May mắn bám được vào bụi cây giữa dòng nước và cầm cự bằng cách uống nước sông, sau đó được một người dân phát hiện thông báo cho lực lượng chức năng giải cứu thành công. Người này đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Mang Yang, Gia Lai trong tình trạng sức khỏe yếu do nhịn ăn nhiều ngày.

Con người có thể nhịn ăn trong bao lâu vẫn là một câu hỏi mở. Theo ước tính, những người nhịn đói sẽ trở nên yếu đi trong vòng 30 đến 50 ngày và tử vong trong vòng 43 đến 70 ngày.

Cơ thể hoạt động để chống lại cơn đói bằng cách sản xuất glucose và phá vỡ mô mỡ. Ở giai đoạn sau, nó phá vỡ cơ nhưng nếu không có thức ăn, những nỗ lực này sẽ không hiệu quả và dẫn đến tử vong.

1. Nhịn ăn bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Trên thực tế, nhịn ăn nhiều ngày, từ hàng tuần đến vài tuần được một số người áp dụng để thanh lọc cơ thể, phương pháp này còn gây nhiều ý kiến trái chiều.

Một số đánh giá cho rằng chỉ cần có nước, người ta có thể duy trì sự sống trong nhiều ngày. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào một số yếu tố cá nhân bao gồm giới tính, tuổi tác, thể trạng, cân nặng ban đầu và lượng nước uống. Các yếu tố này đều đóng vai trò quyết định đến thời gian một người có thể sống mà không cần thức ăn.

Về giới hạn thời gian tối đa một người có thể sống sót mà không cần thức ăn còn thiếu dữ liệu khoa học đáng tin cậy. Vậy có thể nhịn ăn trong bao lâu và biến chứng nào dễ xảy ra khi không ăn trong nhiều ngày? Cơ thể rất tháo vát. Khi chúng ta không ăn, cơ thể có thể lấy năng lượng và nhiên liệu từ mỡ của chính nó. Nếu cần, nó cũng có thể sử dụng kho dự trữ cơ.

Nhiều người nhịn ăn hoặc cố tình nhịn ăn trong thời gian ngắn để giảm cân. Tuy nhiên, chỉ nên nhịn ăn trong nhiều giờ chứ không phải nhiều ngày. Trước khi bắt đầu nhịn ăn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem liệu phương pháp này có an toàn cho không.

Nhịn ăn được bao lâu tùy thuộc nhiều yếu tố cá nhân.

Nhịn ăn được bao lâu tùy thuộc nhiều yếu tố cá nhân.

2. Điều gì xảy ra khi nhịn ăn?

Sau 1 ngày

Cơ thể thường sử dụng glucose làm nguồn năng lượng chính. Khi không ăn, lượng glucose dự trữ sẽ cạn kiệt trong vòng một ngày.

Sau một ngày không ăn, cơ thể sẽ giải phóng một loại hormone gọi là glucagon. Hormone này bảo gan tạo ra glucose. Glucose này chủ yếu được dùng để nuôi não.

Sau 2 hoặc 3 ngày

Sau hai hoặc ba ngày không ăn, cơ thể bắt đầu phân hủy mô mỡ. Cơ bắp phải sử dụng các acid béo được tạo ra trong quá trình này làm nguồn nhiên liệu chính.

Acid béo cũng được sử dụng để tạo thành xeton trong gan. Xeton là một chất khác mà cơ thể có thể sử dụng để tạo năng lượng, chúng được giải phóng vào máu. Khi não sử dụng xeton làm nhiên liệu, não không cần nhiều glucose.

Thời điểm này, con người có nhiều khả năng sống sót mà không cần thức ăn vì gan có thể chuyển sang sản xuất xeton.

Sau 7 ngày

Khi lượng acid béo dự trữ hết, cơ thể chuyển sang protein. Tùy thuộc vào lượng mô mỡ ít ỏi mà cơ thể có, có thể chỉ mất vài ngày để đạt đến điểm này. Tuy nhiên, sau một tuần, cơ thể của hầu hết những người đang đói sẽ tích cực phân hủy cơ để có được protein.

Sau 14 ngày

Khi quá trình phân hủy cơ diễn ra nhanh hơn, cơ thể bắt đầu mất chức năng tim, thận và gan. Đây chính là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến tử vong.

Vì cơ thể đói sẽ thiếu nguồn dinh dưỡng để duy trì sức khỏe nên nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân có thể gây tử vong.

3. Những gì ảnh hưởng đến sự sống khi không có thức ăn?

Giới tính, tuổi tác, cân nặng ban đầu và lượng nước tiêu thụ đều có thể ảnh hưởng đến thời gian một người có thể nhịn ăn.

Điều này dựa trên nghiên cứu nhưng còn hạn chế về chủ đề này. Vì lý do đạo đức, các nhà khoa học không thể cố tình bỏ đói mọi người để nghiên cứu điều này. Thay vào đó, họ xem xét và đánh giá những người đã chọn nhịn đói hoặc vì hoàn cảnh bị nhịn đói...

Tham khảo kết quả đánh giá còn hạn chế:

Giới tính: Giới tính nữ sống lâu hơn nam.
Độ tuổi: Trẻ em có nguy cơ tử vong cao hơn người trưởng thành khi nhịn đói.
Cân nặng ban đầu: Nghiên cứu chỉ ra rằng những người gầy thường có thể chịu được việc mất tới 18% khối lượng cơ thể và sẽ trở nên yếu sau 30 đến 50 ngày không ăn. Tử vong thường xảy ra trong khoảng từ 43 đến 70 ngày. Ngược lại, những người béo phì có thể chịu được việc mất hơn 20% khối lượng cơ thể.
Lượng nước uống vào: Nhìn chung, mọi người có thể sống sót lâu hơn mà không cần ăn nếu uống nhiều nước.

4. Biến chứng của việc nhịn đói

Trừ khi ăn uống trở lại, tình trạng đói luôn dẫn đến tử vong. Trước đó, một số biến chứng có thể xảy ra. Số lượng hệ thống cơ thể bị ảnh hưởng tăng lên khi giảm cân tăng lên.

Một số biến chứng bao gồm:

Mất xương;
Yếu cơ và teo cơ;
Cảm thấy lạnh;
Tóc mỏng hoặc rụng;
Da khô;
Táo bón;
Ở phụ nữ dễ bị mất kinh nguyệt;
Mệt mỏi, khó thở và xanh xao do thiếu máu, thiếu tế bào hồng cầu mang oxy...

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-gi-xay-ra-trong-qua-trinh-nhin-an-dai-ngay-16924092521033727.htm
Zalo