Điều gì phát sinh nếu quy đổi thời gian soạn bài, chấm bài thành giờ dạy

Một số nhà giáo cho rằng, sẽ có những vấn đề phát sinh nếu quy đổi thời gian chấm bài, soạn bài của giáo viên thành giờ dạy.

Cô Lê Thị Lệ Thu, giáo viên Trường THCS Huyền Hội, Trà Vinh và học trò trong giờ học.

Cô Lê Thị Lệ Thu, giáo viên Trường THCS Huyền Hội, Trà Vinh và học trò trong giờ học.

Cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay, quy định số tiết trên tuần với giáo viên tiểu học là 23, giáo viên THCS 19 tiết/ tuần; giáo viên THPT là 17 tiết/tuần. Như vậy, thời gian làm việc trực tiếp trên lớp không quá nhiều nên vẫn còn thời gian cho giáo viên soạn bài, chấm bài…

Nhưng thực tế cho thấy, ngoài việc soạn bài, chấm bài, giáo viên còn làm rất nhiều việc khác như sinh hoạt chuyên môn, thực hiện các phong trào của Đội, kỷ niệm các ngày lễ... Những hoạt động này chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên.

Bởi vậy, nhiều nhà giáo bày tỏ đồng tình với việc quy đổi thời gian chấm bài, soạn bài của giáo viên thành giờ dạy. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phân tích về những phát sinh nếu triển khai điều này.

Cô Lê Thị Lệ Thu, giáo viên Trường THCS Huyền Hội, Trà Vinh cho rằng, sẽ khó quy đổi thời gian chấm bài, soạn bài của giáo viên thành giờ dạy, tiết dạy. Lý do, việc này còn phụ thuộc vào từng cấp học, số lượng học sinh, trình độ học sinh, số môn học mà giáo viên được phân công giảng dạy và đặc thù môn dạy…

Còn theo thầy Lê Đức Trung, giáo viên, Chủ tịch Công Đoàn Trường THPT Lam Kinh, Thanh Hóa, nếu thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy, sẽ dẫn đến giảm tiết dạy thực tế của giáo viên. Điều này sẽ sinh ra hai vấn đề.

Một là sẽ thiếu giáo viên/bộ môn. Hiện nay, thiếu giáo viên ở nhiều cơ sở giáo dục khiến việc phân công nhiệm vụ đầu năm gặp khó khăn. Hai là sẽ phải tính đến một lượng kinh phí khổng lồ để chi trả tăng giờ; trong khi đó, tại một đơn vị thì người thừa giờ, người thiếu giờ hiện đã hết sức bất cập.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Lê Đức Trung, việc soạn giáo án và chuẩn bị cho tiết kiểm tra khi dạy học theo Chương trình GDPT 2018 có nhiều yêu cầu cao hơn, giáo viên phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức hơn. Do đó, thầy Trung cho rằng nên xác định thời gian soạn bài, chấm bài là thời gian lao động đặc thù của nghề nghiệp.

“Nhà giáo phải đầu tư tâm huyết hơn với giáo án của mình khi lên lớp. Vì thế, việc soạn bài, soạn đề kiểm tra hay chấm bài kiểm tra của học sinh là trách nhiệm của người giáo viên. Vì vậy, không nên quy định thời gian soạn bài kiểm tra, chấm bài kiểm tra chính khóa của nhà giáo quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần”.

Đưa quan điểm này, thầy Lê Đức Trung kiến nghị cần quan tâm hơn đến chế độ cho giáo viên được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Cụ thể, việc bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém cần được tính ít nhất bằng 3-4 tiết/tuần.

Đồng thời, cần có chế độ chi trả hợp lý cho giáo viên các công việc làm ngoài giờ, đơn cử: hoạt động soạn bài kiểm tra; soạn đề thi; chấm bài thi ngoài phân phối chương trình (như thi thử lớp 12, thi khảo sát đánh giá chất lượng, kiểm tra lại, thi chọn học sinh giỏi) và ôn tập cho học sinh chưa đạt trong hè.

H.Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-gi-phat-sinh-neu-quy-doi-thoi-gian-soan-bai-cham-bai-thanh-gio-day-post710376.html
Zalo