Điều gì chờ đợi các ngân hàng năm 2025?
Năm 2025, ngành ngân hàng dự báo sẽ có những thuận lợi khi NIM được kỳ vọng có thể phục hồi từ đáy. Đồng thời, chất lượng tài sản có khả năng được cải thiện hơn nhờ kinh tế phục hồi và sự cải thiện của thị trường bất động sản khi nguồn cung cao hơn đáng kể so với năm ngoái.
Theo dự báo của Chứng khoán TPS, trong năm 2025, biên lãi thuần của ngân hàng sẽ phục hồi nhờ vào các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và triển vọng phục hồi của nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng và nợ xấu trong năm 2025 cũng sẽ cải thiện tích cực.
NIM phục hồi
Các chuyên gia nhận định, năm 2025, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo vẫn tăng trưởng khả quan, và một trong những động lực chính vẫn là quy mô kinh doanh tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, trong khi động lực đầu tư từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi, thị trường bất động sản ấm trở lại, sẽ kích thích nhu cầu vay vốn cao hơn nữa.
Năm 2025, dự báo ngành ngân hàng sẽ có những thuận lợi khi NIM được kỳ vọng có thể phục hồi từ đáy.
NHNN dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong năm 2025 tương đương với năm 2024 là 15%, tuy nhiên một số ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt và đáp ứng đủ điều kiện có thể được giao hạn mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu chung như những năm vừa qua. Đặc biệt, nếu như động lực tăng trưởng tín dụng chính trong năm 2024 đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, năm 2025 kỳ vọng phân khúc bán lẻ với biên lãi ròng cao hơn sẽ phục hồi tích cực.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2025, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo NIM được kỳ vọng có thể phục hồi từ đáy nhờ vào các chính sách của NHNN và sự cải thiện của thị trường bất động sản khi nguồn cung của ngành này cao hơn đáng kể so với năm 2024.
Động lực cải thiện đến từ các yếu tố như lãi suất cho vay ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng trưởng tín dụng và cải thiện NIM. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện dao động từ 6,7% đến 9,1%/năm đối với các khoản vay mới và dư nợ cũ. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND dành cho các lĩnh vực ưu tiên chỉ khoảng 3,7%/năm, thấp hơn đáng kể so mức trần 4%/năm do NHNN quy định.
TPS đánh giá nhiều khả năng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế, trước bối cảnh nhu cầu tín dụng có mức tăng đáng kể. Các ngân hàng quy mô lớn và chất lượng tài sản tốt sẽ có lợi thế trong việc duy trì NIM.
Ở chiều lãi suất huy động, các chuyên gia cho rằng lãi suất đã giảm mạnh từ tháng 10/2023 và đạt mức thấp nhất trong vòng 3 năm gần nhất. Tính đến cuối tháng 12/2024, lãi suất huy động dao động trong khoảng 5,2% đến 6%/năm. Song, xu hướng lãi suất thấp khó có khả năng tiếp tục diễn ra trong năm 2025 do NHNN đã phải giữ nền lãi suất thấp một thời gian dài nhằm kích thích nền kinh tế và đang khiến áp lực tỷ giá quay trở lại sau một vài tháng hạ nhiệt.
Hầu hết các chuyên gia nhận định, bước sang năm 2025, lãi suất huy động sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ và có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Theo đó, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ dự kiến sẽ áp dụng mức lãi suất cao hơn để thu hút nguồn vốn từ khách hàng.
Tín hiệu cải thiện nợ xấu rõ rệt hơn
Sau khi nợ xấu đạt đỉnh từ quý III/2024, chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện từ quý IV/2024. Hơn nữa, các ngân hàng có xu hướng xử lý nợ xấu mạnh hơn vào cuối năm.
Thực tế, thời điểm cuối năm, các ngân hàng dồn dập rao bán, xử lý nợ xấu. SSI Research dự báo tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng sẽ giảm nhẹ từ mức 2% trong quý III xuống còn 1,89% trong quý IV/2024. Tuy nhiên, phần nợ tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 vẫn là một ẩn số.
Về vấn đề này, một chuyên gia cho rằng với nền kinh tế đã tăng trưởng tích cực trở lại trong thời gian qua, hoạt động của nhiều doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, đơn hàng được nối trở lại, dòng tiền phục hồi có thể giúp nhiều khoản nợ tái cơ cấu chuyển về lại nhóm nợ thông thường trong năm 2025. Do đó, một số công ty phân tích dự phóng sang 2025, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống 1,8% nhờ vào các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản.
Đồng thời, các chuyên gia cũng lưu ý chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng nhẹ do bộ đệm dự phòng hiện không còn dày. Theo đánh giá, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản vay liên quan đến bất động sản.
Về vấn đề nợ xấu, các ngân hàng kỳ vọng hoạt động thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm có thể thuận lợi hơn trong năm 2025, khi giá bất động sản đang đi lên trở lại, từ đó giúp các ngân hàng có thể ghi nhận thu nhập bất thường lớn hơn. Dù vậy, các ngân hàng vẫn hy vọng các giải pháp xử lý nợ xấu đột phá theo Nghị quyết 42 có thể được luật hóa trở lại thông qua các nghị định, hướng dẫn của cơ quan quản lý trong thời gian tới.
TPS nhận định triển vọng nợ xấu trong năm 2025 là tích cực, song vẫn cần sự quản lý rủi ro chặt chẽ và các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.