Tiền Giang: Nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Tiếng Anh đã trở thành 'chìa khóa' mở ra nhiều cơ hội phát triển cho học sinh. Việc thành thạo ngôn ngữ này không chỉ giúp các em tiếp cận với nguồn tri thức phong phú trên thế giới, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tương lai nghề nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng của dạy và học Tiếng Anh, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã không ngừng đầu tư, mở rộng quy mô giảng dạy và áp dụng nhiều phương pháp hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn học này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số bất cập cần được khắc phục để đảm bảo Tiếng Anh thực sự trở thành công cụ giao tiếp hiệu quả cho học sinh. Và vừa qua, tỉnh Tiền Giang cũng đã công bố Tiếng Anh là môn thi thứ ba của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025 - 2026 tại tỉnh.

VÌ SAO CHỌN MÔN TIẾNG ANH?

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025 - 2026 sắp tới, nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Tiền Giang đã quyết định chọn Tiếng Anh là môn thi thứ ba vào lớp 10 THPT công lập bên cạnh Toán và Ngữ văn. Sự lựa chọn này không phải ngẫu nhiên mà là phản ánh xu hướng đổi mới giáo dục, nhu cầu thực tế của xã hội cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo lý giải của nhiều địa phương, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế quan trọng nhất. Không chỉ là công cụ giao tiếp, Tiếng Anh còn mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc trong và ngoài nước. Việc đưa Tiếng Anh vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 giúp học sinh có động lực học tập tốt hơn, từ đó nâng cao trình độ ngoại ngữ ngay từ bậc phổ thông.

Tỷ lệ điểm trên trung bình trong Kỳ tuyển sinh lớp 10 từ năm 2022 đến năm 2024 môn Tiếng Anh của tỉnh Tiền Giang.

Từ thực tế cho thấy, dù được chú trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, nhưng chất lượng dạy và học Tiếng Anh ở nhiều địa phương vẫn chưa đồng đều giữa các vùng miền. Việc đưa Tiếng Anh vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ thúc đẩy cả giáo viên và học sinh nâng cao chất lượng dạy và học. Từ đó, các trường sẽ phải đầu tư hơn vào đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, cũng như cơ sở vật chất phục vụ việc học ngoại ngữ. Về phía học sinh, việc phải thi Tiếng Anh sẽ làm cho các em tập trung hơn, không còn tâm lý xem nhẹ môn học này.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, nhiều năm qua, bên cạnh hai môn Toán và Ngữ văn thì môn thứ ba thi vào lớp 10 của tỉnh là môn Tiếng Anh.

“Theo quan điểm của ngành GD-ĐT, của giáo viên cũng như của phụ huynh thì Tiếng Anh hết sức cần thiết. Thứ nhất, Tiếng Anh giúp các em có đủ khả năng, năng lực sau này làm việc trong môi trường quốc tế. Thứ hai, các em có thể sử dụng Tiếng Anh là phương tiện để tìm hiểu thông tin về khoa học công nghệ, kỹ thuật để từ đó các em có thể nâng cao kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho bản thân. Thứ ba, xu hướng cũng như chiến lược giáo dục đến năm 2020 cũng như tầm nhìn đến năm 2045 của đất nước xem Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong thời gian sắp tới. Đó chính là những lý do quan trọng mà Tiền Giang đã chọn Tiếng Anhh là môn thi thứ ba trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tới đây”, Tiến sĩ Lê Quang Trí lý giải.

NHẬN DIỆN THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Nhận thức được tầm quan trọng của Tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Các trường học từ bậc tiểu học đến THPT đều đưa Tiếng Anh vào chương trình giảng dạy chính khóa. Nhiều trường còn tổ chức các câu lạc bộ, cuộc thi Tiếng Anh để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết một cách toàn diện.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong nhiều năm học vừa qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, chủ yếu là Tiếng Anh. Qua rà soát có 100% trường tiểu học tổ chức dạy Tiếng Anh cho trên 90% học sinh. Trong đó, có trên 35 ngàn học sinh lớp 1, 2 được học tập và làm quen với Tiếng Anh và trên 80 ngàn học sinh từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 được học Tiếng Anh 4 tiết/tuần.

Giờ học Tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Ở bậc trung học, ngành GD-ĐT đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia ở các trường THCS với trên 2.000 lớp, trên 90 ngàn học sinh tham gia. Riêng bậc THPT, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 38 trường THPT đã triển khai hiệu quả chương trình Tiếng Anh ở các khối lớp theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, việc dạy và học Tiếng Anh ở Tiền Giang vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trước hết, chất lượng giảng dạy chưa đồng đều giữa các trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Trong khi các trường tại TP. Mỹ Tho và các khu vực trung tâm được đầu tư bài bản, thì các trường ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu giáo viên có trình độ cao, thiết bị dạy học còn hạn chế.

Bên cạnh đó, phương pháp dạy học tại một số trường vẫn còn nặng về ngữ pháp, đọc, viết, chưa chú trọng nhiều đến kỹ năng giao tiếp. Điều này khiến nhiều học sinh dù học Tiếng Anh nhiều năm nhưng vẫn gặp khó khăn khi sử dụng ngôn ngữ trong thực tế. Một vấn đề khác là tâm lý e ngại của học sinh khi học Tiếng Anh. Do ít có cơ hội giao tiếp thực tế, nhiều em cảm thấy rụt rè, thiếu tự tin khi sử dụng Tiếng Anh. Điều này phần nào ảnh hưởng đến động lực học tập và khả năng tiếp thu của các em.

Theo thầy Lê Thanh Tùng, giáo viên Tiếng Anh bậc THCS ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng, mặc dù đã triển khai theo chương trình mới song chương trình Tiếng Anh trong các nhà trường hiện nay nặng về lý thuyết, học sinh chủ yếu ghi bài, “học chay” một cách thụ động, trong khi mục tiêu chính của việc học Tiếng Anh là các em phải vận dụng vào từng ngữ cảnh cụ thể để giao tiếp. Các em học mẫu câu, học công thức các thì, nhưng chỉ biết vận dụng làm bài tập trắc nghiệm, còn vận dụng vào tình huống nào thì nhiều em vẫn còn lơ ngơ hoặc áp dụng một cách máy móc.

THAY ĐỔI CÁCH DẠY VÀ HỌC

Để nâng cao chất lượng giảng dạy Tiếng Anh tại các trường phổ thông ở Tiền Giang, cần có những giải pháp đồng bộ và thiết thực. Theo nhiều cán bộ quản lý, cũng như giáo viên dạy Tiếng Anh, yếu tố then chốt đầu tiên là cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn giúp giáo viên cập nhật phương pháp giảng dạy mới, tăng cường khả năng tổ chức lớp học theo hướng giao tiếp, thực hành.

Thứ hai, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, tăng cường thực hành và giao tiếp thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp. Giáo viên có thể áp dụng các hoạt động nhóm, trò chơi ngôn ngữ và sử dụng công nghệ để tạo môi trường học tập sinh động, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học. Bên cạnh đó, cần tăng cường thời lượng học Tiếng Anh và mở rộng các chương trình bổ trợ. Các trường có thể tổ chức các lớp học tăng cường, câu lạc bộ Tiếng Anh, các hoạt động ngoại khóa như diễn kịch, tranh luận bằng Tiếng Anh để học sinh có nhiều cơ hội rèn luyện.

Cuối cùng, cần tạo môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh vượt qua tâm lý e ngại khi sử dụng ngoại ngữ. Giáo viên nên động viên, khuyến khích học sinh mạnh dạn nói Tiếng Anh, thay vì quá chú trọng vào lỗi sai.

Theo thầy Trần Hồng Cảnh, giáo viên Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy môn Tiếng Anh cho biết: “Một trong những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh, đó là phải thay đổi môi trường học ngoại ngữ trong các trường học, hướng học sinh đến với các kỹ năng thực hành, giao tiếp. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường các câu lạc bộ, những hoạt động thực tiễn ngoài giờ học để học sinh ứng dụng Tiếng Anh vào giao tiếp thực tế nhiều hơn”.

Dạy và học Tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Tiền Giang đã có nhiều bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với tri thức toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Bằng việc đầu tư vào đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành và tạo môi trường học tập thân thiện, chắc chắn chất lượng dạy và học Tiếng Anh tại Tiền Giang sẽ ngày càng được nâng cao, giúp học sinh tự tin hơn trên con đường hội nhập quốc tế.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202502/tien-giang-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-tieng-anh-1033793/
Zalo