Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đề cao vai trò của điện hạt nhân

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.

Nhấn mạnh tình hình kinh tế và xã hội đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ hơn, ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng bày tỏ, quyết tâm của hệ thống chính trị, Quốc hội và Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn so với Quy hoạch điện VIII là điểm mới rất quan trọng. Đặc biệt, quyết định tái khởi động 2 dự án điện hạt nhân là bước đi mang tính chiến lược.

“Điện hạt nhân là lựa chọn tất yếu để đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn. Với kinh nghiệm từ các nghiên cứu khả thi trước đây, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian thực hiện, đặt mục tiêu hoàn thành 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong vòng 5-6 năm nếu có sự quyết tâm và cơ chế phù hợp”, ông Kiệt khẳng định.

Khu vực thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là một trong 2 vị trí được chọn xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2

Khu vực thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải là một trong 2 vị trí được chọn xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2

Cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc là quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ông Tuấn cho rằng, đối với năng lượng tái tạo, thách thức lớn nhất là quản lý hàng trăm nguồn điện nhỏ phân tán, liên quan đến các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và đất đai. Để đáp ứng nhu cầu, Việt Nam cần huy động từ 30,7 đến 40 tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2030, chủ yếu từ tư nhân và DN ngoài nhà nước.

Về điện khí LNG, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị sớm ban hành các quy định chuyển ngang giá khí, để khởi động các dự án quan trọng. Dù Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn đã được ban hành, nhưng nhiều dự án vẫn chậm tiến độ do thiếu hợp đồng mua bán điện hoàn chỉnh.

“Riêng về điện hạt nhân, tôi đồng tình với kế hoạch tái khởi động dự án. Nhưng việc xây dựng nhà máy đầu tiên vào năm 2031 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực”, lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lưu ý.

Cần có các cơ chế, chính sách đặc thù cho điện hạt nhân

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174 ngày 30/11/2024 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thực hiện các chủ trương trên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ban, ngành khẩn trương triển khai thực hiện các công việc cần thiết nhằm sớm đưa Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030-2031, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, do đây là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta, nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.

Cụ thể là cần cho phép triển khai đồng thời các công việc về đàm phán các Hiệp định, thỏa thuận với đối tác song song với quá trình lập các hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư. Áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và chỉ định thầu đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong Thỏa thuận hoặc Hiệp định liên Chính phủ; Áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Dự án cần được thực hiện song song, đồng thời một số công việc chuẩn bị dự án (khảo sát lập nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, rà phá bom mìn, thực hiện dự án thành phần…) trong quá trình đàm phán Hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng chìa khóa trao tay trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Đàm phán vay vốn Chính phủ với các đối tác; cho phép chủ đầu tư vay lại không chịu rủi ro tín dụng; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác; chủ đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ/doanh nghiệp/công trình và một số cơ chế khác để có đủ vốn đối ứng thực hiện dự án; Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án di dân, tái định cư.

“Cùng với đó là các cơ chế về áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật; các định mức, đơn giá. Cho phép các chủ đầu tư miễn thủ tục báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn. Tỉnh Ninh Thuận được tạo cơ chế, chính sách để thực hiện dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp vật liệu cho xây dựng dự án; đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Ngoài ra, các dự án điện hạt nhân cũng cần cơ chế về thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đối với các hạng mục liên quan đến dự án và các dự án thành phần. Cần có chế tài xử lý chồng lấn khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; xử lý chồng lấn quy hoạch (nếu phát sinh) trong quá trình thực hiện dự án cũng như cơ chế về thực hiện tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-de-cao-vai-tro-cua-dien-hat-nhan-post1155627.vov
Zalo